TRI MẪU

Thứ năm - 24/12/2015 06:38

.

.
TRI MẪU (Radix Anemarrhenae - Asphodeloidis) Tri mẫu ( Rhizoma Anemarrhenae) là thân rễ khô của cây Tri mẫu ( Anemarrhenae Aspheloides) thuộc họ Hành tỏi ( Liliaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VIII . Thanh nhiệt tả hỏa.
 Vị đắng, tính hàn qui kinh Tỳ, Vị, Thận. Có tác dụng thanh nhiệt, tư âm, nhuận phế, sinh tân.

Thành phần chủ yếu:

Tri mẫu có chất Saponin gọi là Asphonin, ngoài ra có một số chất có tinh thể chưa xác định.

Tác dụng dược lý:

  1. Hạ nhiệt: Đối với hư hoặc thực nhiệt, thuốc đều có tác dụng hạ nhiệt. Kết quả nghiên cưú thực nghiệm đã chứng minh Tri mẫu có tác dụng hạ nhiệt rõ.
  2. Kháng khuẩn: In vitro, thuốc có tác dụng ức chế mạnh các loại trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đường ruột, tụ cầu khuẩn.
  3. An thần: Thuốc làm giảm tính hưng phấn của hệ thần kinh, ví dụ phối hợp với Hoàng bá làm giảm tính kích thích tình dục ( y học cổ truyền gọi là tả thận hỏa) phối hợp với Toan táo nhân làm giảm tính hưng phấn vỏ đại não, trị mất ngủ, phối hợp với Quế chi có tác dụng làm giảm đau đối với viêm khớp ( thấp khớp), phối hợp với Bạch thược trị chứng run co giật cơ ( do tăng hưng phấn thần kinh cơ).
  4. Hóa đờm: Về mặt dược lý cổ truyền thuốc có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, tư thận bổ thủy.


 

Ứng dụng lâm sàng:

  1. Dùng chữa chứng thực nhiệt: ở phần khí trong bệnh viêm nhiễm (bệnh ôn) phối hợp với Thạch cao có tác dụng giải nhiệt an thần ( xem bài Bạch thang ở vị Thạch cao).
  2. Dùng chữa chứng hư nhiệt: (âm hư nhiệt thịnh, chứng sốt chưng triều nhiệt, sốt về chiều, về đêm ra mồ hôi trộm, thường gặp trong các bệnh mạn tính hư nhược, sốt kéo dài như bệnh lao, ung thư, chất tạo keo,.) mạch trầm tế sác, thường phối hợp với Sanh địa, Miết giáp, Địa cốt bì, Đơn bì,.

    Bài thuốc thường dùng: Tri bá địa hoàn hoàn ( Tri mẫu, Hoàng bá 8 -12g, Sanh địa 12 - 20g, Đơn bì 12g, Sơn thù 12g, Sơn dược 12g - 16g, Phục linh 12g, Trạch tả 12g sắc nước uống).

  3. Nhuận phế chỉ khái: dùng trị chứng âm hư phế nhiệt, ho khan trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, viêm phổi kéo dài hoặc ho đờm vàng.

    Bài thuốc thường dùng: Nhị mẫu tán ( Tri mẫu, Bối mẫu mỗi thứ 12g) hoặc bài Tri mẫu tán (Tri mẫu 12g, Bối mẫu 8 - 12g, Sài hồ 8g, Hoàng kỳ 12g, Tử uyển 12g, Mã đầu linh 12g, Hạnh nhân 12g, Pháp Bán hạ 8 - 12g, Tang bạch bì 12g, Bạch phàn 2g, Khoản đông hoa 12g, sắc nước uống).

  4. Dùng chữa viêm đường tiết niệu mạn tính kéo dài: viêm thận có hội chứng âm hư hỏa vượng, có thể dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn uống với nước sắc Rễ tranh hoặc Kim ngân hoa có kết quả tốt nhất là đối với bệnh nhân đã nhờn thuốc trụ sinh.
  5. Dùng chữa viêm loét mồm, viêm họng mạn: có chứng hư nhiệt thường phối hợp Huyền sâm, Sanh địa, Liên kiều.
  6. Chữa bệnh tiêu khát: như bệnh tiểu đường có hội chứng phế vị táo nhiệt ( mồm khô, bứt rứt, khát nước, .) thường phối hợp Cát căn, Thiên hoa phấn ( Qua lâu căn), Mạch môn . có tác dụng sinh tân chỉ khát.
  7. Một số bài thuốc kinh nghiệm:
  • Tri mẫu mài với giấm bôi hắc lào, ban chẩn dị ứng.
  • Dương vật cương luôn: Tri mẫu, Hoàng bá, Xa tiền, Mộc thông, Thiên môn, Đông sinh, Cam thảo, mỗi vị 4g sắc uống.
  • Có mang động thai: Tri mẫu 80g, tán nhỏ viên với mật ong bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 20 viên với nước cháo.
  1. Trị phì đại tuyến tiền liệt: dùng bài Tri mẫu khôn thảo thang ( Tri mẫu, Hoàng bá, Ngưu tất đều 20g, Đơn sâm 30 - 50g, Đại hoàng 10 - 15g, Ích mẫu thảo 50g, trị 80 ca kết quả tốt 86,3% ( Trương Thủ Khiêm, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1988,3:155).

Liều thường dùng: 8 - 16g. Liều cao có thể dùng 30g.

Chú ý lúc dùng thuốc:

Tri mẫu có tác dụng hoạt trường cho nên không dùng đối với chứng tỳ hư tiêu chảy.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây