THIÊN MA

Thứ ba - 01/12/2015 07:03

.

.
THIÊN MA (Rhizoma Gastrodiea Elatae) Thiên ma còn gọi là Minh thiên ma, Xích tiễn, Định phong thảo là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Thiên ma Gastrodia Elata Blume họ Lan Orchidaceae, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIII - Bình can tức phong.

Tính vị qui kinh:

Thiêm ma vị ngọt tính bình, qui kinh Can.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị cay ấm.
  • Sách Dược tính bản thảo: không độc, vị ngọt, bình.
  • Sách Y học khôi nguyên: khí bình vị đắng.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập kinh Can phần khí.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Can, Bàng quang.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập tỳ thận can đởm tâm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Gastrodin, gastrodioside, vannillyl, alcohol, vanillin, alkaloid, vitamin A.

Gần đây chứng minh: Thiên ma tố (Gastrodin) là thành phần có hiệu lực chủ yếu và đã chế nhân tạo được.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng tức phong chỉ kinh, bình can tiềm dương.

Chủ trị các chứng: kinh phong co giật, phá thương phong (uốn ván), can dương thượng kháng đau đầu chóng mặt.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: "uống lâu ích khí lực, tăng tuổi thọ".
  • Sách Dược tính bản thảo: " trị chứng nói nhiều dễ hoảng hốt, làm kinh mất trí".
  • Sách Khai bảo bản thảo: " chủ trị các chứng phong thấp tý, chân tay co giật, trẻ em kinh phong, làm khỏe lưng gối, tăng lực gân cơ".
  • Sách Trân châu nang: " trị phong hư huyễn vựng đầu thống".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thiên ma có tác dụng an thần chống co giật.
  2. Thuốc có tác dụng làm giảm đau, tác dụng giảm đau của loại mọc hoang mạnh hơn loại trồng. Thuốc chích Thiên ma và loại do nhân tạo cũng có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng kháng viêm.
  3. Thiêm ma làm tăng cường lưu lượng máu ở tim và não, làm giảm lực cản của mạch máu, làm gĩan mạch ngoại vi, có tác dụng hạ áp, làm chậm nhịp tim, nâng cao sức chịu đựng thiếu oxy của động vật thí nghiệm.
  4. Polysacc-haride của Thiên ma có hoạt tính miễn dịch.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị suy nhược thần kinh và đau đầu do mạch máu: Tác giả dùng chất chiết xuất Thiên ma tố trị suy nhược thần kinh 156 ca, đau đầu do mạch máu 72 ca đều có kết quả tốt (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung quốc 1986,5:265).

2.Trị đau thần kinh: Lý Cung và cộng sự dùng dịch chích Thiên ma 50% chích bắp mỗi lần 2 - 4ml, ngày 2 - 3 lần, 20 ngày là 1 liệu trình. Đã trị các loại bệnh nhân: đau đầu do mạch máu 162 ca, đau dây thần kinh tam thoa 130 ca, đau thần kinh hông 148 ca, viêm đa thần kinh do nhiễm độc 20 ca, điều trị 1 - 2 liệu trình. Tỷ lệ giảm đau 91,36 - 95% (Học báo của Y học viện Cát lâm 1982,1:28).

3.Trị động kinh:

  • Triệu Ông Bình và cộng sự cho bệnh nhân uống viên Vannillin, người lớn bắt đầu 1,5g mỗi ngày chia 3 lần. Sau 4 tuần không khỏi có tăng lên 2 g, nếu 2 tuần sau không kết quả tăng lên đến 2,5g. Trẻ em giảm liều, dùng thuốc 3 - 6 tháng theo dõi 291 ca, tỷ lệ kết quả 73,9% (Tạp chí thần kinh tinh thần Trung hoa 1985,3:139).
  • Trần Kiến Gia giới thiệu: cũng dùng cách trên đây trị 215 ca, kết quả đối với cơn lớn 76,8%, đối với cơn nhỏ có kết quả 67%, tỷ lệ kết quả chung là 72,5% (Báo Tân dược và lâm sàng 1986,3:147).
  • Ngọc chân tán: Thiên ma, Phòng phong, Khương hoạt, Chế Bạch phụ tử, Chế Nam tinh, Bạch chỉ lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước sôi hoặc rượu. Bài này trị được uốn ván.

4.Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt:

Thiên ma hoàn: Thiên ma 15g, Xuyên khung 5g, chế thành hoàn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 3 lần.

5.Trị đau khớp, chân tay tê dại:

  • Ngưu tất 10g, Thiên ma 10g, Toàn yết 3g, Nhũ hương 5g, tán bột mịn hồ làm hoàn hoặc sắc uống.
  • Thiên ma hoàn: Thiên ma, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tỳ giải, Phụ tử, Đương qui, Sinh địa đều 10g, Huyền sâm 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Trị đau khớp do phong hàn thấp.

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 - 10g. Tán bột uống 1 - 1,5g/lần.
  • Thiên ma là loại thuốc quí trên thị trường nên có nhiều loại giả, lúc mua cần chú ý: Thiên ma loại chất đặc bóng, hơi trong là thứ tốt (cho nên gọi là Minh Thiên ma). Chú ý nhận mặt thuốc thật thường là: chất cứng đặc, một đầu có nha bào khô màu đỏ nâu, một đầu có rốn tròn thành sẹo, trên mặt có vân là thật. Đông ma nặng không có tâm rỗng, cắt ngang trong suốt. Xuân ma phần nhiều chất nhẹ, cắt ngang tối xạm tâm rỗng, nên chất lượng kém hơn.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: gọi là, làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây