THẢO QUẢ

Chủ nhật - 29/11/2015 04:12

.

.
THẢO QUẢ ( Fructus Amomi Tsao-Ko) Thảo quả dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Ẩm thiện chính yếu, là quả chín phơi hay sấy khô của cây Thảo quả, tên thực vật là Amomum Tsao-Ko Crevost et Lemaire thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IV - Trừ hàn.

Thảo quả được trồng và mọc hoang ở những vùng khí hậu mát ở miền Bắc nước ta như Hoàng Liên Sơn, Hà Giang, Tây Bắc. Ở Trung Quốc Thảo quả có mọc ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quí Châu.

Thảo quả chín hái về (quả phải chưa nẻ) phơi hay sấy nhẹ lửa cho khô (thường 3 - 4 ngày đêm) quả khô sẽ ngã màu xám nâu nhạt, nhiều nếp nhăn dọc và thường được phủ một lớp phấn trắng, khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, vì nếu bóc ngay sẽ mất mùi thơm.

Tính vị qui kinh:

Thảo quả vị cay, tính ôn, qui kinh Tỳ vị.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Ẩm thiện chính yếu: vị cay tính ôn không độc.
  • Sách Bản thảo tùng tân: cay nhiệt.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Tỳ vị.

Thành phần chủ yếu:

Thảo quả có tinh dầu chừng 1 - 3%. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm ngọt, vị nóng cay dễ chịu. Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự (1989) đã nghiên cứu thấy trong tinh dầu có thành phần chủ yếu: 1-8 cineol (30,61%), trans-2 undecanal (17,33%), citral B (geranial) (10,57%), terpineol (4,34%).

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thảo quả có tác dụng táo thấp ôn trung, tiệt ngược.

Chủ trị chứng tỳ vị hàn thấp, sốt rét (ngược tật).

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản thảo cương mục: " Thảo quả cùng dùng với Tri mẫu. Trị chứng chướng ngược hàn nhiệt, dùng thuốc một âm một dương nên không có hại do thiên thắng. Thảo quả trị hàn ở Thái âm, Tri mẫu trị hỏa ở Dương minh".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Thảo quả và Thảo đậu khấu, nhiều sách đều ghi khí vị tương đồng, công hiệu không khác, uống thuốc đều có thể ôn vị trục hàn. Thuốc có khí vị phù tán, mắc chứng chướng ngược, uống thuốc đều có hiệu quả".
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: " Thảo quả cay ôn táo liệt, thiên trừ hàn thấp mà ôn táo trung cung cho nên thuốc là vị chủ dược trừ hàn thấp ở tỳ vị. Ở vùng rừng núi, khí độc sương mù đều là loại âm thấp tà dễ làm tổn thương chân khí nên trừ khí độc phải dùng thuốc ôn táo phương hương để thắng âm ma thấp trọc".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Nước sắc 0,25 - 0,75% của Thảo quả có tác dụng hưng phấn ruột cô lập của súc vật thí nghiệm (guinea-pig).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng ngực bụng đau đầy do hàn thấp tích trệ:

  • Thảo quả ẩm: Thảo quả (nướng) 5g, Hậu phác, Hoắc hương đều 10g, Thanh bì, Bán hạ, Thần khúc đều 6g, Lương khương 5g, Đinh hương, Cam thảo đều 3g, Sinh khương, Đại táo đều 10g, sắc uống.

2.Trị sốt rét: rét nhiều nóng ít hoặc chỉ rét mà không nóng hoặc tiêu chảy không buồn ăn.

  • Quả Phụ thang: Thảo quả nhân 3g, Thục phụ tử 10g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả, sắc uống.
  • Thảo quả nhân 2g tán bột bọc trong miếng gạc, trước khi lên cơn 1 giờ nhét lỗ mũi ( 1 bên).
  • Thảo quả 10g, Kha tử 10g, Sinh khương 7 miếng, Táo đen 2 quả, nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Trị sốt  (rét nhiều sốt ít), đại tiểu tiện nhiều.
  • Tiểu Sài hồ thang gia Thường sơn, Thảo quả: Sài hồ, Bán hạ, Hoàng cầm đều 6 - 12g, Thường sơn 3 - 10g, Thảo quả 5g, sắc uống. Trị chính ngược.
  • Nhiều bài thuốc cổ phương dùng Thảo quả như:

1.Tiệt ngược thất bảo ẩm (Dương thị gia tăng phương): Thường sơn, Thảo quả, Binh lang, Hậu phác, Trần bì, Thanh bì, Cam thảo.

2.Thường sơn ẩm (Cục phương): Lương khương, Ô mai, Tri mẫu, Thường sơn, Thảo quả, Cam thảo.

3.Trị rối loạn tiêu hóa: do ăn uống không tiêu, tích thực gây vùng thượng vị đầy đau, nôn . dùng bài:

  • Thảo quả bình vị tán: Thảo quả (nướng) 5g, Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Sinh khương đều 10g, Cam thảo 3g, Đại táo 3 quả sắc uống. Tác dụng kiện vị tiêu thực.

4.Trị hôi miệng: Thảo quả giã dập ngậm vào miệng nuốt nước.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều: 3 - 6g, uống độc vị hoặc phối hợp với nhiều loại thuốc sắc uống.
  • Dùng thận trọng đối với chứng âm huyết hư vì tính ôn táo của thuốc dễ làm tổn thương âm huyết.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây