SÀI HỒ

Thứ hai - 14/09/2015 06:53

.

.
SÀI HỔ (Radix Bupleuri) Bộ phận làm thuốc là rễ cây Sài hồ (Bepleurum chinense DC.) thuộc họ Hoa tán ( Umbelliferae). Cũng có cây Sài hồ tên khoa học là Bupleurum scorzoneraefolium Willd) dùng rễ hoặc toàn cây làm thuốc như nhau. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm II - Phát tán phong nhiệt.


Vị đắng tính hơi hàn, qui kinh Can Đởm.

Thành phần chủ yếu:

Trong Sài hồ có chừng 0,50% chất saponin, một chất rượu gọi là Bupleurumola, phytosterola và một ít tinh dầu. Trong thân và lá có chất rutin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo dược lý cổ truyền thuốc có tác dụng: hóa giải thoái nhiệt, sơ can chỉ thống, thăng dưỡng khí triệt ngược tà ( trị sốt rét).

Theo kết quả các công trình nghiên cứu thuốc có tác dụng:

1.Giải nhiệt: trên thực nghiệm và lâm sàng đều được ghi nhận.

2.An thần: giảm đau làm dịu đau tức sườn ngực, khai uất điều kinh.

3.Kháng khuẩn: in vitro có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn lao.

4.Kháng virut: có tác dụng ức chế mạnh virut cúm và ức chế virut bại liệt.

B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng hạ nhiệt, an thần, giảm đau, giảm ho rõ rệt.
  • Tác dụng như cocticoit kháng viêm.
  • Bảo vệ gan và lợi mật.
  • Hạ mỡ trong máu.
  • Tác dụng tăng cường thể dịch miễn dịch và miễn dịch tế bào. Tăng khả năng tổng hợp protein của chuột.
  • Nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế mạnh liên cầu khuẩn tan huyết, phẩy khuẩn thổ tả, trực khuẩn lao, leptospira, virut cúm. Thuốc còn có tác dụng kháng virut viêm gan, virut viêm tủy týp I, vi trùng sốt rét.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị ngoại cảm: Thường dùng trong những trường hợp bệnh ngoại cảm có triệu chứng sốt lúc cao lúc thấp không đều hoặc lúc sốt lúc rét ( hàn nhiệt vãng lai) như chứng sốt rét hoặc chứng bán biểu bán lý thường gặp ở nhiều bệnh nhiễm giai đoạn mới phát trong mấy ngày đầu như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp, cảm cúm, viêm hạch, ung nhọt, chấn thương nhiễm trùng.Bài thuốc thường dùng:

  • Tiểu sài hồ thang ( Thương hàn luận): Sài hồ 12 - 16g, Bán hạ 8 -12g, Hoàng cầm 8 -12g, Đảng sâm 8 -12g, Chích thảo 4 - 6g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 4 - 6 quả.

2.Trị chứng can khí: các bệnh có triệu chứng can khí uất như ngực sườn đau tức, có thể gặp trong các bệnh đau thần kinh liên sườn, viêm gan, viêm túi mật hoặc kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, bụng đầy, ợ hơi, ợ chua, trong người nóng mạch huyền ( hội chứng can vị bất hòa) . thường dùng bài:

  • Tiêu dao tán ( Hòa tể cúc phương): Sài hồ 12g, Đương qui 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Chích thảo 4g, sắc nước uống, có thể gia giảm tùy theo triệu chứng. Trong những trường hợp lóet dạ dày tá tràng, rối loạn kinh nguyệt, cao huyết áp, suy nhược thần kinh. có những triệu chứng như trên dùng bài này gia giảm chữa bệnh đều có kết quả.

3.Tác dụng thăng dương: Sài hồ cũng được dùng trong những bài thuốc có tác dụng thăng dương để chữa các chứng do tỳ khí hư nhược gây nên như tiêu chảy kéo dài, sa trực tràng, sa tử cung, kinh nguyệt kéo dài, rong kinh, khí hư ra nhiều ( do suy nhược thần kinh) thường dùng bài:

  • Bổ trung ích khí ( tỳ vị luận): Hoàng kỳ 20g, Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Đương qui 12g, Trần bì 4 - 6g, Chích thảo 4g, Thăng ma 4 - 8g, Sài hồ 6 - 10g, sắc nước uống.

4.Chữa sốt rét: Dùng bài Tiểu sài hồ ( như trên ) gia Thảo quả, Thường sơn mỗi thứ 12g sắc nước uống.

5.Trị cảm mạo thường: Bài chính Sài hồ ẩm ( Sài hồ, Phòng phong, Trần bì, Thược dươc, Cam thảo, Gừng tươi) mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Đã trị 666 ca kết quả 79% ( Tạp chí trung y 1985, 12:13)

6.Trị viêm gan: dùng Cam sài hợp tể ( Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 1/2), mỗi lần 10 ml, ngày 3 lần, ( tương đương với Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 15g/ngày).

7.Trị chứng mỡ máu cao: Dùng thuốc giảm mỡ 20ml ( tương đương Sài hồ 3g, thêm La hán quả gia vị) ngày uống 3 lần, một liệu trình 3 tuần, trị 86 ca, tác dụng tốt đối với triglycerit ( Lý Tông Kỳ, Tạp chí Trung y 1988,2:62).

8.Trị viêm giác mạc do virút: dùng Sài hồ chế thuốc nhỏ mắt (10%), mỗi giờ một lần và chích dưới kết mạc, mỗi lần 0,3 - 0,5ml, chích cách nhật, chích bắp mỗi lần 2ml, ngày 1 - 2 lần. Ngô Đức Cửu dùng 3 phương pháp trên trị 18 ca, thời gian điều trị bình quân mỗi ca 16 gnày đều khỏi ( Thông tin Trung dược học 1978,12:29).

9.Trị liput ban đỏ: Thuốc tiêm Sài hồ tiêm bắp mỗi lần 2 ml ( tương đương thuốc sống 4g), mỗi ngày 2 lần, liều dùng trong 10 ngày. Trị 13 ca đều khỏi ( Lưu Bàng Phi, Thông tin Phòng trị bệnh ngoài da 1979,2:10).

Liều lượng thường dùng: 4 -16g.

Chú ý lúc dùng thuốc: Theo một số tác giả không nên dùng Sài hồ trong những trường hợp sau: ho do phế âm hư, triều nhiệt ( sốt có định kỳ). Đối với bệnh nhân huyết áp cao có triệu chứng đau đầu, ù tai, chóng mặt ( hội chứng can hỏa thượng nghịch).

Sài hồ không nên dùng liều cao vì có thể làm tăng bệnh, thậm chí gây xuất huyết.

Trường hợp lao phổi nếu có biểu chứng, can khí uất nên dùng Sài hồ lượng ít độ 4 - 6g.

Sài hồ thường dùng chung với Bạch thược để tăng tác dụng thư can trấn thống vừa để làm dịu tính kích thích của sài hồ đối với cơ thể.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây