QUA LÂU NHÂN

Thứ sáu - 04/09/2015 11:22

.

.
QUA LÂU (Fructus Trichosanthis) Qua lâu nguyên có tên là Qua lâu thực, còn gọi là Dược qua, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục, là quả chín phơi hay sấy khô của cây Qua lâu. Có nhiều loài, tên thực vật khác nhau như Trichosanthes Ririlowii Maxim, Trichosanthes rothrnii Harms, Trichosanthes multiloba Miq v.v.. Nhân của quả chín gọi là Qua lâu nhân, vỏ quả gọi là Qua lâu bì, dùng cả nhân và bì gọi là Toàn qua lâu. Cây Qua lâu còn cho vị thuốc Thiên hoa phấn tức rễ Qua lâu (Radix Trichosanthis). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XI - Trừ đàm.


Cây Qua lâu ở nước ta mới phát hiện có mọc ở Cao Bằng. Các vị Qua lâu làm thuốc phần lớn nhập của Trung Quốc.

Tính vị qui kinh:

Qua lâu vị ngọt tính hàn, qui kinh Phế Vị Đại tràng.

Theo các sách cổ:

  • Sách Nhật dụng bản thảo: vị đắng tính bình lương không độc.
  • Sách Bản thảo diễn nghĩa bổ di: ngọt nhuận.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập thủ thiếu âm, thái âm kinh.
  • Sách Bản thảo tân biên: nhập 2 kinh phế vị.

Thành phần chủ yếu:

Theo sách Trung dược học: Quả Qua lâu có saponin, triterponoid, acid hữu cơ, resin, chất đường, sắc tố và dầu béo.

Qua lâu nhân (semen Trichosanthis) có dầu béo, trong đó có nhiều loại cholesterol.

Qua lâu bì (pericarpium trichosanthis) có nhiều loại amino acid và chất giống alkaloid.

Trong rễ Qua lâu (Thiên hoa phấn) có rất nhiều tinh bột.

Viện Y học Bắc Kinh nghiên cứu thấy trong Thiên hoa phấn có chừng 1% saponozit.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

  • Qua lâu bì có tác dụng: thanh phế hóa đàm, lợi khí khoang hung. Chủ trị chứng ho do phế nhiệt, chứng hung tý, kết hung (ngực đau đầy tức, do khí kết tụ, có khi là do khối u).
  • Qua lâu nhân có tác dụng: nhuận phế hóa đàm, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị các chứng táo bón do trường táo, nhũ ung, trường ung, ung thư thũng độc.
  • Toàn qua lâu đều có tác dụng và điều trị các chứng như trên.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " trị hung tý (đau ngực) duyệt trạch nhân diện (tươi nhuận da mặt).
  • Sách Bản thảo cương mục: " nhuận phế táo, giáng hỏa. Trị khái thấu, trừ đàm kết, lợi yết hầu, tiêu ung thũng sang độc".
  • Sách Bản thảo thuật: " Qua lâu thực dùng trị chứng đàm do nhiệt táo, nếu đem dùng cho các chứng hàn đàm, thấp đàm, khí hư, thực tích sinh đàm đều không có ích gì mà lại có hại".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Triterpenoid saponin có tác dụng khu đàm.
  2. Qua lâu nhân có nhiều dầu béo nên có tác dụng gây xổ mạnh, Qua lâu bì tác dụng nhẹ, Qua lâu sương thì có tác dụng hòa hoãn hơn.
  3. Thuốc có tác dụng giãn động mạch vành rõ rệt, gia tăng lưu lượng máu của động mạch vành, chống thiếu oxy và hạ mỡ máu.
  4. Invitro, thuốc có tác dụng ức chế trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lî sonnei, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, phẩy khuẩn thổ tả và nấm gây bệnh ngoài da.
  5. Thuốc có tác dụng chống hoạt tính ung thư.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị động mạch vành: dùng Qua lâu nhân chế thành viên dùng, ngày 3 lần mỗi lần 4 viên (lượng thuốc mỗi ngày tương đương với 31,2g thuốc sống, cá biệt bệnh nhân có cơn đau thắt ngực dùng Nitroglycerine hoặc Quan tâm tô hợp hoàn (thành phẩm). Đã trị 100 ca và theo dõi từ 2 tuần đến 14 tháng. Có kết quả lâm sàng (triệu chứng giảm) 76% kết quả điện tâm đồ 52,9% (Tổ phòng trị bệnh động mạch vành - Bệnh viện Nhân dân số 3, trực thuộc Học viện Y số 2 Thượng Hải, Tạp chí Tân y dược học 1974,3:20).

  • Báo cáo của 13 Bệnh viện ở Thượng Hải dùng dịch chích Qua lâu trị 413 ca bệnh mạch vành, kết quả lâm sàng 78,1%, kết quả điện tâm đồ 56% (Thông tin Trung thảo dược 1976,9:47).

2.Trị viêm phế quản thể đàm nhiệt; ngực đau do đàm vàng hoặc ápxe phổi:

  • Tiểu hãm hung thang (Thương hàn luận): Qua lâu thực 12g, Bán hạ 10g, Hoàng liên 4g, sắc uống.
  • Toàn qua lâu, Ý dĩ nhân đều 15g, Cát cánh 10g, Kim ngân hoa 10g, Bồ công anh 12g, sắc uống. Bài này trị ápxe phổi có kết hợp trụ sinh kết quả tốt.

3.Trị viêm tuyến vú cấp: sưng nóng đỏ đau sốt.

  • Toàn qua lâu, Kim ngân hoa, Bồ công anh đều 15g sắc uống kết hợp rút ngắn thời gian điều trị.

4.Trị táo bón:

  • Qua lâu thực 15g, Cam thảo 3g, sắc uống, có thể hòa thêm ít mật ong.

5.Trị da xạm: Thiên hoa phấn 16g giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội lọc nước uống.

6.Trị trẻ em vàng da: Thiên hoa phấn giã nhỏ, cho nước đun sôi để nguội gạn nước uống. Có thể thêm mật ong cho dễ uống.

7.Trị phụ nữ cho con bú ít sữa: Thiên hoa phấn đốt tồn tính tán nhỏ ngày uống 16 - 20g.

8.Trị viêm họng mất tiếng: Qua lâu bì, Bạch cương tằm, Cam thảo đều 10g, Gừng tươi 4g, nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều: Toàn qua lâu: 10 - 20g; Qua lâu bì: 6 - 12g; Qua lâu nhân: 10 - 15g.
  • Chú ý: Qua lâu nhân có tác dụng nhuận tràng mạnh nên không dùng với người tỳ hư thường hay tiêu chảy.
  • Thuốc phản Ô đầu.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây