NHỤC THUNG DUNG

Chủ nhật - 16/08/2015 07:53

.

.
NHỤC THUNG DUNG ( Herba Cistanches) Nhục thung dung là toàn thân cây mang lá hình vảy (Caulis Cistanchis). Hiện trên thị trường có dùng nhiều loại: Cây Thung dung ( Cistanche deserticola Y.G.Ma) thuộc họ Nhục thung dung ( Orobranhaceae). Cây Mễ nhục thung dung (Cistanche ambigua G.Beck. (Bge)), thuộc họ Nhục thung dung. Cây Nhục thung dung ( Cistanche salsa (C.A. Mey.) G Beck), hiện Trung quốc thường dùng loại này. Vị thuốc này được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. .Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVII - Bổ dương.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt mặn, tính ôn. Qui kinh Thận Đại tràng.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt, hơi ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: chua, mặn, không độc.
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: vị ngọt, mặn, hơi cay, chua, hơi ôn.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thận, tâm bào lạc, mệnh môn.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc quyết âm can kinh, túc thiếu âm thận kinh, thủ dương minh đại trường kinh.

Thành phần chủ yếu: Alkaloids.

Tác dụng dược lý

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện. Chủ trị các chứng liệt dương, vô sinh, đại tiện táo bón.

Trích Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " trị 5 chứng lao, 7 chứng thương tổn: ( thất thương: lo quá thương tỳ, giận quá thương can, ngồi nơi ẩm thấp thương thận, lạnh quá thương phế, lo nghĩ buồn thương tâm, cảm gió mưa nóng lạnh thương hình thể, sợ hãi thương chi), bổ trung, dưỡng ngũ tạng, cường âm, ích tinh khí, sinh nhiều con. Trị chứng trưng hà, làm khỏe người (nếu uống lâu dài)".
  • Sách Dược tính bản thảo: " ích tinh, kéo dài tuổi thọ, đại bổ tráng dương. Trị đàn bà băng huyết".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị các chứng nam nữ tử tuyệt dương bất hứng, nữ tử tuyệt âm bất sản, nhuận ngũ tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối, nam ntử tiết tinh, niệu huyết di lịch, nữ tử đái hạ âm thống".
  • Sách Bản thảo bị yếu: " bổ mệnh môn tướng hỏa, tư nhuận ngũ tạng, ích tủy cân, trị ngũ lao thất thương, tuyệt dương bất hứng, tuyệt âm bất sản, yêu tất lãnh thống, băng đới di tinh. hoạt đại tiện".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng hạ áp ( theo tài liệu: Trích yếu báo cáo luận văn năm 1956, tập 2, Viện khoa học Y học Trung Quốc xuất bản 70,1956).
  2. Làm tăng nước dãi (nước miếng) của chuột nhắt ( theo tài liệu: Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược do NXB Khoa học xuất bản năm 1965(14).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng liệt dương do thận hư, lưng gối lạnh đau, phụ nữ vô sinh: dùng bài:

  • Nhục thung dung hoàn: Nhục thung dung 16g, Viễn chí 6g, Xà sàng tử 12g, Ngũ vị tử 6g, Ba kích thiên, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Phụ tử, Phòng phong, mỗi thứ 12g, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12 - 20g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm hoặc nước muối nhạt.

2.Trị suy nhược thần kinh (kinh nghiệm của Diệp quất Tuyền): dùng bài:

  • Nhục thung dung 10g, Sơn thù 5g, Thạch xương bồ 4g, Phục linh 6g, Thỏ ty tử 8g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống nóng.

3.Trị táo bón ở người lớn tuổi do khí huyết hư: có thể dùng như sau:

  • Nhục thung dung nấu với thịt heo, uống hoặc gia thêm các vị thuốc như Đương qui, Sinh địa, Ma nhân như bài:
  • Nhục thung dung nhuận trường thang: Nhục thung dung 20g, Đương qui 16g, Sinh địa 12g, Bạch thược 12g, Hỏa ma nhân 12g, sắc nước uống.
  • Nhục thung dung nhuận trường hoàn: Nhục thung dung 24g, Ma nhân 12g, Trầm hương 2g, tán bột mịn làm hoàn với mật ong, mỗi lần uống 12 - 20g, ngày uống 2 lần.

Liều thường dùng:

  • Liều : 12 - 24g. Trị táo bón có thể dùng lượng nhiều.
  • Không nên dùng đối với bệnh nhân Tỳ hư, tiêu chảy.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây