NHÂN TRẦN

Thứ sáu - 14/08/2015 19:21

.

.
NHÂN TRẦN (Herba Artemesiae Capillaris) Nhân trần cao là lá và mầm non của cây Nhân trần có tên thực vật Artemisia capillar aris (Thnb) hoặc có tên thực vật là Artemisia scoparia Waldst et Kit, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Nhân tràn thuộc họ Cú (compositae), ta còn phải nhập của Trung Quốc.Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IX - Thanh nhiệt táo thấp.

Theo sách Đỗ Tất Lợi, thì ta có mấy loại sau giới thiệu để tham khảo, nhiều nơi cũng dùng như Nhân trần nhưng chưa được nghiên cứu nhiều:

  1. Nhân trần (hay Nhân trần đực) tên thực vật là Adenosma caeruleum R.Br. đây là tên gọi của nhân dân vùng Vĩnh Phú, Hà Bắc, ở Nghệ Tĩnh thì gọi là Hoắc hương núi (lá và thân vò có mùi thơm).
  2. Nhân trần bồ bồ (miền Nam gọi là Nhân trần đực để phân biệt với loại trên, tên thực vật là Adenosma capitatum Benth.
  3. Nhân trần tím tên thực vật là Adenosma bracteosum Bonatti cùng họ Hoa mõm chó, thân và cành màu tím đỏ.

Thực ra trên thị trường người ta hay dùng lẫn lộn, tác dụng dược lý cần được nghiên cứu thêm. Trong bài này chủ yếu giới thiệu về cây Nhân trần cao ( Trung Quốc) đã được nghiên cứu nhiều. Nhân trần cao cũng có tên là Nhân trần hiên còn nhập của Trung Quốc.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng, hơi hàn, qui kinh Tỳ vị can đởm.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng bình.
  • Sách Danh y biệt lục: hơi hàn không độc.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập 3 kinh túc dương minh, thái âm, thái dương.

Thành phần chủ yếu:

Scoparone, 6,7-dimethoxycoumarin, chlorogenic acid, caffeic acid, beta-pinene, capillin, capillone, capillene, capillann, stearic acid, palmitic acid, oleic acid, linoleic acid, arachidic acid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Nhân trần cao có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp thối hoàng.

Chủ trị các chứng hoàng đản, chứng sỏi mật, bệnh thấp ôn, thấp sang (nhọt lở), ghẻ, phong chẩn.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ phong thấp hàn nhiệt tà khí, nhiệt kết hoàng đản".
  • Sách Thang dịch bản thảo, quyển trung: " Trọng Cảnh có bài Nhân trần chi tử đại hoàng thang trị thấp nhiệt, Chi tử bá bì thang trị táo thấp, thấp tắc tả chi, táo sắc nhuận chi. Đó là 2 loại thuốc trị dương hoàng. Lý tư Huấn trị âm hoàng dùng Nhân trần phụ tử thang lấy Nhân trần là quân, lấy Đại hoàng, Phụ tử làm tá."
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: " Nhân trần vị nhạt lợi thủy, vẫn là thuốc chuyên trị Tỳ vị thấp nhiệt, thấp đản, tửu đản, toàn thân vàng đều thuộc chứng vị thổ uẩn thấp tích nhiệt, xưa nay đều dùng vị thuốc này làm chủ, hiệu quả rất nhanh. còn các chứng âm hoàng, tuy là hư hàn mà trong có uất nhiệt phát ra sắc vàng cho nên dùng thuốc này với thuốc ôn kinh để trị nên có bài Nhân trần, Phụ tử của Trọng cảnh".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng lợi mật: nước sắc thuốc có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng Oddi của chó gây mê. Chất 6,7-dimethoxycoumarin là chất có tác dụng lợi mật chủ yếu, cùng dùng với Chi tử tăng thêm tác dụng lợi mật.
  2. Thuốc có tác dụng bảo vệ gan chống nhiễm độc của carbon tetrachloride trên chuột cống thí nghiệm.
  3. Có tác dụng hạ lipid huyết, làm giãn mạch vành và hạ áp.
  4. Thành phần dầu bay hơi có tác dụng ức chế mạnh loại nấm gây bệnh ngoài da. Nước sắc thuốc có tác dụng ức chế có mức độ khác nhau đối với các loại vi khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn A, trực khuẩn mũ xanh, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî, tụ cầu vàng, não mô cầu, virus cúm . Thuốc còn có tác dụng giết xoắn khuẩn, tăng hấp thu Gentamycin nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.
  5. Thuốc có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt, giết trục lãi đũa.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị viêm gan cấp:

  • Nhân trần cao thang (Thương hàn luận): Nhân trần 18 - 24g, Chi tử 12g, Đại hoàng 6 - 8g sắc uống.
  • Nhân trần 30 - 45g sắc uống ngày 3 lần. Hoàng ngọc Thành dùng trị viêm gan cấp 32 ca đều khỏi, thuố có tác dụng hạ sốt hết vàng da, gan nhỏ nhanh, thời gian điều trị 3 - 15 ngày, phần lớn trong 7 ngày khỏi (Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1959,7:42).
  • Nhân trần ngũ linh tán ( Kim quỉ yếu lược): Nhân trần 16g, Bạch truật 12g, Trạch tả 12g, Bạch linh, Trư linh đều 12g, Quế chi 6g sắc uống. Trị viêm gan vàng da, tiểu ít.

2.Trị vàng da trẻ em sơ sinh: Tác giả Bội Lan và cộng sự dùng dịch chích (gồm Nhân trần, Chi tử, Đại hoàng, Hoàng cầm) nhỏ giọt tĩnh mạch và dùng nước sắc uống (gồm các vị thuốc chính là Nhân trần, Chi tử, Xa tiền thảo) trị 37 ca vàng da trẻ sơ sinh (gồm chứng huyết tán 11 ca, bại huyết 24 ca, các loại khác 2 ca). Kết quả 26 ca khỏi, 2 ca gần khỏi, 5 ca tốt, không kết quả 3 ca, tử vong 1 ca, tỷ lệ kết quả 89,2% và có nhận xét là không có sự khác biệt rõ giữa 2 tổ chích và uống (Tạp chí Trung y 1981,2:23).

3.Trị viêm túi mật:

  • Nhân trần cao, Bồ công anh, Quảng uất kim đều 40g, Khương hoàng 16g, sắc uống.

4.Trị giun chui ống mật: Tác giả dùng Nhân trần 40 - 80g sắc uống, có nhiễm trùng gia Kim ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh. Đã theo dõi 50 ca kết quả tốt (Báo Y học Sơn Đông 1965,12:44).

5.Trị cholesterol máu cao: Dương Tùng Niên cho bệnh nhân uống mỗi ngày Nhân trần sắc thay trà, trong 1 tháng. Đã theo dõi 82 ca, kết quả cholesterol hạ bình quân 42,4mg. Tỷ lệ bình quân 14,3% (Tạp chí Trung y 1980,1:39).

6.Trị nấm ngoài da: Tác giả dùng dầu bay hơi Nhân trần ở 2 độ sôi khác nhau (loại sôi ở độ 80 -103 độ C và ở độ sôi 93 - 134 độ C) mỗi thứ 5ml pha vào cồn 95 độ chế thành cồn xoa Nhân trần số I và số II, ngoài ra dùng Nhân trần chế thành dầu nước 5ml là số III. Trị chàm thân mình và chân bôi thuốc ngày 2 lần liên tục trong 4 tuần. Kết quả tổ dùng cồn số II có 7 ca, khỏi 5 ca, tốt 2 ca. Tổ dùng cồn số I có 4 ca, khỏi 2 ca, tốt 2 ca. Tổ dùng dầu xoa nước số III có 9 ca chỉ có 2 ca khỏi ( Thông tin Trung thảo dược Tứ Xuyên 1976,3:28).

Liều thường dùng:

  • Liều: 10 - 30g.
  • Dùng ngoài theo nhu cầu.

Phụ chú:

Cây Nhân trần nam còn gọi là Bồ bồ tên thực vật Adenosma caeruleum R.Br mọc hoang dại ở vùng trung du miền Bắc, nhiều ở vùng Vĩnh phú, Hà bắc, miền Nam có Nhân trần tía mọc xen với Bồ bồ. Công ty dược liệu hiện nay thu mua Bồ bồ với tên Nhân trần. Cây Nhân trần nam đã được Viện Dược liệu Hà nội (Lê Tùng Châu 1975) và Phân viện Dược liệu Thành phố HCM (Nguyễn Viết Tựu) nghiên cứu và có những kết luận sau:

  • Bồ bồ làm tăng tiết mật rõ rệt ở cả 3 lô thí nghiệm: Cao cồn 40 độ, cao nước và tinh dầu, tác dụng mạnh nhất ở cao cồn. Cao cồn và tinh dầu có tác dụng tăng thải độc của gan.
  • Bồ bồ có tác dụng chống viêm trên thực nghiệm nhưng chủ yếu do thành phần tan trong cồn 40 độ và tan trong nước, còn tinh dầu tác dụng không rõ.
  • Bồ bồ có tác dụng kháng khuẩn trên nhiều loại vi khuẩn mạnh nhất là trên 2 chủng: trực khuẩn lî (Sh.dysenteriae và Sh,shigae) và 2 chủng cầu khuẩn Staphyllococcus aureus và Streptococcus hemolyticus. Tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất ở cao cồn và cao nước, yếu ở tinh dầu.
  • Bồ bồ có tác dụng giảm tiết dịch vị rõ, giảm độ acid tự do và acid toàn phần dịch vị, làm giảm lóet dạ dày trên thực nghiệm.
  • Độc tính của Bồ bồ không đáng kể. Với liều cao hơn liều tác dụng 20 lần không làm súc vật thực nghiệm chết.

Như vậy dùng trị viêm gan, Bồ bồ có thể thay thế Nhân trần cao của Trung Quốc.

(theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền -  Ảnh sưu tầm từ Internet)


TÀI LIỆU THAM KHẢO THÊM:

 

Thân, cành mang lá và hoa đã phơi hay sấy khô của cây Nhân trần tía (còn gọi là Nhân trần Tây Ninh) (Adenosma bracteosum Bonati), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Mô tả Lá hoa cây nhân trần tía

Thân mảnh có 4 cánh ở 4 góc, nhẵn, màu tía. Lá thuôn dài 2 – 4 cm, rộng 0,6 – 0,9 cm mép lá có răng cưa, đầu lá nhọn. Lá mỏng thường cuộn lại và dễ rụng. Cụm hoa chùm, đặc, dài 1,5 – 5 cm. Cánh hoa màu tím nhạt, thường rụng, chỉ còn lại lá bắc và đài. Quả nang 2 mm, hạt nhỏ li ti màu đen hay màu nâu tía.
Dược liệu có mùi thơm nồng, vị cay mát và hơi đắng.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa – toluen – ethyl acetat (100 : 15 : 5).
Dung dịch thử: Đun sôi 5 g dược liệu đã được cắt nhỏ với 50 ml nước, cất kéo hơi nước trong bộ cất tinh dầu khoảng 2 giờ, hứng lấy 10 ml dịch chiết. Để nguội, lắc với 2 ml toluen (TT), gạn lấy phần dịch chiết toluen làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 gam Nhân trần tía (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên, sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí, phun dung dịch vanilin trong ethanol 96% (TT) (chỉ pha trước khi dùng), sấy bản mỏng ở 105 oC trong 5 phút. Sắc ký đồ dung dịch thử phải có các vết màu từ xanh đến xanh tím, có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g dược liệu đã tán nhỏ để thử.

Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 12.11).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5% (Phụ lục 12.12).

Định lượng tinh dầu

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 40 g dược liệu đã cắt nhỏ, thêm 200 ml nước, cất trong 3 giờ. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,25%.

Chế biến

Thu hái khi cây đang ra hoa, phơi hoặc sấy ở 40 – 50 oC đến khô.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát

Tính vị, qui kinh, Công năng, chủ trị, Liều lượng cách dùng

Xem chuyên luận Nhân trần.
Nhân trần tía
(Adenosma bracteosum); tk. nhân trần cái, chè cát. Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Cây thảo, nhẵn, mọc đứng thẳng, cao 30 – 70cm. Thân hình trụ ở gốc, phần thân trên và cành có 4 cạnh, phân nhánh nhiều, màu xanh hoặc tím đỏ. Lá mọc đối, thuôn nhọn, dài 2 – 4cm, rộng 0,6 – 0,9cm, không cuống, nửa ôm thân, mép lá có răng cưa. Cụm hoa là một bông dài 13 – 40cm, mang ở gốc những lá bắc tạo thành tổng bao. Tràng hoa màu trắng hoặc xanh tím. Quả nang hình trứng dài.
Cây mọc hằng năm, thành đám trên đất cát ẩm từ đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) đến tháng 1 – 2 năm sau. Quả nứt làm tung hạt ra, đến mùa sau mọc lại. Có nhiều ở vùng trung du các tỉnh Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước) và Tây Nguyên.
Nhân trần tía cótác dụng kháng khuẩn, lợi mật, lợi tiểu, kích thích tiêu hoá. Dùng chữa cảm cúm, ăn uống kém tiêu, trong các bệnh về gan, mật. ngày dùng 10 – 15g, dạng thuốc sắc, hoặc hãm thay nước uống trong ngày.
  1. Bài thuốc trị bệnh gan từ cây nhân trần
  2. Không chỉ là thứ nước uống giải khát, nhân trần còn là vị thuốc có nhiều công dụng chữa bệnh, nhất là đối với các bệnh gan, mật. Cây nhân trần có tác dụng tốt trong việc phòng và chữa bệnh gan.
  3. Tác dụng của nhân trần đối với bệnh gan đã được công nhận từ lâu. Tích xưa kể lại: vào một mùa xuân, có nữ bệnh nhân tìm gặp danh y Hoa Đà để chữa bệnh. Nhìn thân hình gày gò, sắc mặt vàng vọt, niêm mạc hai mắt mang màu mơ chín, Hoa Đà biết cô gái bị chứng “Hoàng lao bệnh” hay còn gọi là “Hoàng đản bệnh”. Căn bệnh đó được y học hiện đại gọi là viêm gan vàng da. Nhưng vì thời đó chứng bệnh này chưa có cách chữa nên Hoa Đà đành nói với người bệnh: “Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi”. Cô gái nghe vị danh y nói vậy đành ngậm ngùi trở về nhà và cũng không nghĩ chuyện đi tìm thầy chữa bệnh khác. Một năm trôi qua, tình cờ gặp lại, nhìn thấy cô gái sắc mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, Hoa Đà rất đỗi ngạc nhiên. Hỏi mãi, thần y mới biết cô gái đã uống một loại “rau” lạ mà ông chưa từng biết. Đó chính là hoàng cao đầu, một cây thuốc vốn được dùng để chữa chứng hoàng đản. Từ đó, Hoa Đà chú tâm nghiên cứu khả năng chữa trị của hoàng cao đối với chứng bệnh viêm gan vàng da. Sau này, ông đã đặt cho cây thuốc này một cái tên mới gọi là “nhân trần”. Theo sách thuốc cổ, nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn; vào được bốn đường kinh tỳ, vị, can và đởm; có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng, được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Theo y học hiện đại, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết
  4. áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm. Nó có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm, cải thiện công năng miễn dịch và ức chế trực tiếp sự tăng sinh của tế bào ung thư. Ngoài ra, nhân trần còn có tác dụng lợi niệu và bình suyễn. Nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy tác dụng tăng tiết mật tăng 24,4% và làm tăng chức năng thải trừ của gan đến 187,5% so với lô chứng. Trong y học hiện đại, nhân trần đã được Bộ môn truyền nhiễm Trường đại học Y khoa Hà Nội dùng điều trị thực nghiệm bệnh viêm gan do virus. Kết quả cho thấy men gan của các bệnh nhân trở về mức bình thường, bệnh nhân hết mệt mỏi, hết đau vùng gan, ăn ngon. Cách sử dụng nhân trần trong phòng ngừa và điều trị các bệnh gan, mật khá đơn giản: dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống. Đây là một cách sử dụng thuốc khá độc đáo của y học cổ truyền, vừa tiện lợi, dễ chế, dễ dùng, kinh tế. Nhân trần có thể kết hợp với một số thảo dược bổ gan khác để tăng tác dụng như: diệp hạ châu, cúc hoa… Một số lưu ý khi sử dụng nhân trần: hầu hết nhân trần khi đến với người tiêu dùng đều là loại khô. Trong những ngày không có nắng to, cây không được phơi khô đúng cách. Nhiều người vì lợi nhuận đã phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô, dễ dàng chặt ra đem bán. Đặc điểm khí hậu nước ta là độ ẩm
  5. cao, những loại cây lá để khô rất dễ ẩm mốc. Vì vậy, để kinh doanh, các cửa hàng thường dùng thuốc chống ẩm mốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Tuy chưa có những kết luận chính thức về việc người sử dụng nhân trần kém chất lượng sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nhưng để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, người tiêu dùng nên tìm mua ở những địa chỉ tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng để tránh mua phải những hàng kém chất lượng.
 

Nguồn tin: Tổng hợp từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây