NGƯU TẤT

Thứ sáu - 14/08/2015 06:42

.

.
NGƯU TẤT (Radix Achyranthis Bidentatae) Ngưu tất dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là rễ phơi hay sấy khô của nhiều loài Ngưu tất thường gặp là Hoài Ngưu tất (Achyranthes Bidentata Blume), Ma Ngưu tất (Cyathula capitata (Wall) Moq) và Xuyên Ngưu tất (C.officinalis Kuan). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVII - Hoạt huyết, khứ ứ.


Tính vị qui kinh:

Đắng, chua, bình. Qui kinh Can Thận.

Theo Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " chua bình không độc".
  • Sách Bản kinh: " vị đắng chua".
  • Sách Bản thảo cương mục: "túc quyết âm, thiếu âm".

Thành phần chủ yếu:

Triterpenoid, saponine, ecdysterone, inokosterone, rhamnoza, acid oleanic, galactoza, glucoza, muối kali.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng hoạt huyết khu ứ, bổ can thận dưỡng gân cốt, lợi niệu thông lâm, làm sứ dược dẫn huyết và hỏa xuống phần dưới cơ thể. Chủ trị các chứng: rối loạn kinh nguyệt, đau kinh, tắt kinh, đau bụng sau sanh, đau do chấn thương, lưng gối nhức mỏi, huyết niệu, tiểu tiện đau buốt, không thông, các chứng thổ huyết, nục huyết, đau lợi răng, miệng lưỡi lở, đau đầu chóng mặt, đẻ khó.

Theo Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: "chủ hàn thấp nuy tý, chân tay co quắp, gối đau không duỗi được, trục huyết khí, lở lóet do hỏa nhiệt, trụy thai".
  • Sách Danh y biệt lục: " trị nam thận âm suy giảm, người già tiểu không tự chủ, tăng cốt tủy, trị đau trong não và cột sống thắt lưng, trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết kết, ích tinh, lợi âm khí, giảm tóc bạc".
  • Sách Bản thảo cương mục: " Ngưu tất sao rượu bổ can thận, dùng sống trừ ác huyết ( máu độc). Trị đau lưng gối, chân teo, âm tiêu ( yếu sinh lý) tiểu không tự chủ ( thất niệu), sốt rét lâu ngày (cửu ngược). Thuốc còn trị chứng trưng hà, các chứng tâm phúc thống, ung thũng ác sang, họng lợi răng đau, tiểu đau, tiểu ra máu, các chứng kinh thai sản nhờ thuốc có tác dụng khử ác huyết".
  • Sách Bản thảo thông huyền: " trị chứng ngũ lâm, dùng Ngưu tất 1 lạng gia thêm ít Nhũ hương sắc uống vài thang là khỏi, nhờ tác dụng đi xuống mà thông được tiểu tiện".
  • Sách Y học Trung trung tham tây lục: " Ngưu tất nguyên là thuốc bổ, chuyên đưa khí huyết đi xuống, mà dùng làm thuốc dẫn dược.Thuốc trị chứng thận hư, đùi lưng đau, gối đau không co duỗi được, cẳng teo không đi lại được. Trị con gái kinh bế huyết khô, có tác dụng dục sản. Trị chứng tiểu buốt (lâm thống), thông lợi tiểu tiện".

B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein. Dịch chiết Cồn Ngưu tất có tác dụng ức chế tim ếch cô lập, làm giãm mạch hạ áp, hưng phấn tử cung có thai hoặc không có thai. Thuốc còn có tác dụng lợi tiểu, làm hạ đường huyết, cải thiện chức năng gan, hạ cholesterol máu.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bệnh phụ khoa: như rối loạn kinh nguyệt, đau kinh, kinh bế, đau bụng sau sanh do thuốc có tác dụng thông kinh, khu ứ, chỉ thống.

Thường dùng phối hợp với Đào nhân, Hồng hoa, Đương qui.

Có thể dùng các bài thuốc sau:

  • Xuyên Ngưu tất 20g sắc nước uống với rượu trị kinh bế, kinh không thông.
  • Thóat hoa tiễn: Hồng hoa, Xuyên khung mỗi thứ 6g, Xuyên Ngưu tất 16g, Đương qui 12g, Nhục quế (tán bột hòa uống) 3g, Xa tiền tử 12g, sắc uống trị sinh khó, thai chết lưu không ra.
  • Ngưu tất tán: Ngưu tất, Đương qui, Xích thược, Đào nhân, Diên hồ sách, Đơn bì đều 12g, Quế tăm, Mộc hương đều 6g, tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 - 3 lần với rượu ấm trị hết kinh đau bụng.

2.Trị các chứng gân cơ yếu: (thuốc có tác dụng tư bổ can thận) thường phối hợp với Thục địa, Qui bản, Tỏa dương, Hổ cốt. Bài thuốc thường dùng:

  • Hổ tiên hoàn ( Y phương tập giải): Qui bản, Hoàng bá, Tri mẫu, Thục địa, Đương qui, Tỏa dương, Bạch thược, Trần bì, Hổ cốt, Ngưu tất.

3.Trị chứng tê thấp khớp đau: dùng Ngưu tất phối hợp với Thương truật, Hoàng bá, Ý dĩ như các bài:

  • Tam diệu tán (hoàn) ( Y học chính truyền): Thương truật 12g, Xuyên Ngưu tất 12g, Hoàng bá 8g, tán bột mịn trộn đều mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần với nước gừng.
  • Tứ diệu hoàn (Thanh phương tiện độc) gồm Ngưu tất gia Mộc qua, Phòng kỷ, Tỳ giải.

4.Trị chứng tiểu ra máu: (viêm niệu, sạn niệu) dùng Ngưu tất gia Đương qui, Cù mạch, Hoạt thạch ( Ngưu tất thang trong sách Bị cấp thiên kim yếu phương).

5. Phòng trị chứng Bạch hầu: Ngưu tất 7 phần, Cam thảo 3 phần, sắc uống thay nước trà hằng ngày.

6.Trị chứng thổ huyết, nục huyết ( chảy máu cam): thường dùng phối hợp với Tiểu kế, Bạch mao căn, Chi tử .. có kết quả. Có tác giả dùng Ngưu tất, Đại giá thạch, Tiên hạc thảo lượng bằng nhau trị chảy máu cam 110 ca, uống trung bình trên dưới 10 thang đều khỏi ( Báo cáo của Quách Trung, Tạp chí Trung y Triết Giang 1984,19(7):305).

7.Trị tử cung xuất huyết cơ năng: dùng Xuyên Ngưu tất mỗi ngày 30 - 45g sắc uống. Trị 23 ca, uống liên tục 2 - 4 ngày hết xuất huyết, trường hợp xuất huyết lâu ngày, uống tiếp thêm 5 - 10 ngày cũng cố ( Tạp chí Trung y Triết Giang 1982,17(2):86).

8.Trị Lactosurie: dùng Ngưu tất 90 - 120g, hạt rau cần 45 - 60g, sắc 2 lần trộn uống chia 2 - 3lần, uống 6 thang khỏi, 3 tháng thấy có kết quả, trị 21 ca có kết quả 86% ( Tạp chí Trung y Sơn Đông 1989,6:40).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều dùng: 10 - 15g.
  • Dùng Hoài Ngưu tất: hoạt huyết hóa ứ.
  • Dùng Xuyên Ngưu tất: thông lâm lợi tiểu.
  • Phụ nữ có thai và kinh nguyệt không dùng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: ngưu tất, làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây