Họ Ráy hay họ Môn, họ Chân bê có tên khoa học Araceae là họ thực vật một lá mầm. Họ Ráy trên thế giới có 106 chi và 4.025 loài. Tại Việt Nam có khoảng 30 chi và có khoảng 150 loài, trong đó có nhiều loài được nhập trồng làm cảnh. Họ Ráy gồm nhiều cây thảo có thân hình củ, thân nạc hoặc dây leo bám. Hoa có dạng mo đặc trưng, ở nước ta dùng làm thuốc thường gặp 15 loài trong đó có cây Ráy gai. Ráy gai còn gọi là Chóc gai, Mớ gai, Mốp gai, Cừa, Sơn thục gai, rau Mác gai, Móp gai (miền Nam), K’ lạng dờn (K’Ho); có tên khoa học Lasia spinosa (L.) Thwaites, (Lasia aculeata Lour., Dracontium spinosum). Cây Ráy gai thân thuộc thảo. Lá, thân đều có gai. Phiến lá xẻ như kép lông chim, có khi dạng mũi mác hay đa dạng, cuống lá có bẹ. Cụm hoa không phân nhánh, có mo dài bao lại, phần gốc mở ra phần trên khép kín. Hoa lưỡng tính. Hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên.
Cây ra hoa vào mùa hạ, màu đỏ. Quả mọng có gai ngắn, hạt dẹp. Cây mọc hoang dại ở bãi lầy, mương rạch, ao hồ, trong rừng dưới 1.000m. Tại nước ta phân bố ở Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, TP. HỒ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Lâm Đồng... Trên thế giới có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Hàn Quốc.
Bộ phận dùng làm thuốcThân rễ, thu hoạch vào mùa Thu, đào về rửa sạch, phơi hay sấy khô. Khi dùng ngâm nước phèn và gừng, sau đó đồ cho mềm, thái mỏng, sao vàng.
Tác dụngTheo y học cổ truyền, thân rễ Ráy gai có vị đắng cay, tính mát, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, tiêu viêm, tiêu đờm, sinh cơ, chỉ khát, chỉ thống.
Theo y học hiện đại, trong cây có chất polyphenol, vitamin c là những chất chông oxy hóa.
Công dụngCây Ráy gai được nhiều nước châu Á và nước ta dùng đọt non, lá non, bẹ non làm rau ăn. Có thể dùng ăn sống, luộc, xào, nấu canh hoặc muối dưa chua.
Ở nước ta, thân rễ dùng chữa các bệnh viêm thận, viêm gan, viêm khớp, viêm họng, đau nhức, phù thũng; liều dùng từ 12 — 16g, sắc uống. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như cẩu tích, huyết đằng, ngưu tất để chữa bệnh thấp khớp hay phối hợp với chó đẻ răng cưa, bột nghệ để chữa bệnh về gan. Dùng ngoài: toàn cây sắc lấy nước tắm rửa chữa lở ngứa. Có nơi dùng thân rễ khô nấu nước uống thay trà.
Trong kháng chiến, năm 1971, bộ đội miền Đông Nam bộ (B2) đã dùng Ráy gai chữa viêm gan, vàng da, suy nhược cơ thể, sốt rét. Năm 1973, Xưởng Dược X5 thuộc phòng Quân y B2 đã sản xuất viên nén Ráy gai dùng chữa các bệnh trên và phối hợp với bột nghệ để làm thuốc bổ gan.
Ở Sri Lanka dùng Ráy gai chữa bệnh trĩ, táo bón, xơ gan. Ở Ấn Độ, thân rễ Ráy gai sắc uống chữa bệnh đau ngực. Lá và rễ cũng dùng chữa bệnh tri. Ở Trung Quốc, toàn cây Ráy gai dùng chữa bệnh phù thũng, cao huyết áp, phong thấp, viêm thận, viêm tuyến nước bọt.
Loài Ráy gai đang được khai thác làm thuốc ở Mỹ và châu Âu, được xem là cây thuốc quý hiếm. Hội Bảo tồn Tài nguyên thực vật của Đông Nam Á (PROSEA) đã có khuyến cáo cây Ráy gai là loài thực vật quý cần được bảo tồn.
DS.NGUYỄN THỌ BIÊN