Tính vị qui kinh:
Long nhãn vị ngọt, ôn, qui kinh Tâm tỳ.
Theo các Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: vị ngọt, bình.
- Sách Tân tu bản thảo: ngọt, chua.
- Sách Bản thảo hồi môn: vị ngọt, tính ôn.
Về qui kinh:
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc thái âm, thủ thiếu âm kinh
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập Can, Tâm, Tỳ.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập Tâm Thận.
Thành phần chủ yếu:
Adenine, choline, glucose, sucrose.
Tác dụng dược lý:
Bổ tâm tỳ, ích khí huyết. Chủ trị chứng Tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết hư tổn.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ trị ngũ tạng tà khí, an chí, chán ăn, uống lâu ngày làm khỏe trí não, thông minh".
- Sách Danh y biệt lục: " khử độc".
- Sách Trấn nam bản thảo: " dưỡng huyết, an thần, ích trí, liễm hãn, khai vị, ích tỳ".
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " quế viên, đại bổ âm huyết. dùng trong bài Qui tỳ thang cùng với Liên nhục, Khiếm thực, bổ tỳ âm làm cho tỳ vượng thống huyết qui kinh. Nếu thần chí mệt mỏi, Tâm kinh huyết thiểu dùng làm thuốc trợ lực Sinh địa, Mệnh môn bổ dưỡng tâm huyết. Trường hợp gân cốt mệt mỏi, dùng làm thuốc trợ lực Thục địa, Đương qui để tư âm bổ can huyết".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Ít có tài liệu nghiên cứu. Theo sách Trung dược học thuốc có tác dụng ức chế nha bào của nấm trên ống nghiệm với nước ngâm Long nhãn.
Ứng dụng lâm sàng:
Thuốc chủ yếu dùng trị các chứng suy nhược thần kinh do tâm huyết hư có triệu chứng: mất ngủ, hồi hộp, hay quên dùng bài Qui tỳ thang ( Tế sinh phương) gồm có:
- Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Đảng sâm 12g, Đương qui 8g, Phục thần 12g, Long nhãn nhục 12g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 4g ( cho sau), Viễn chí 6g, Chích thảo 4g, sắc nước uống ( có thể cho thêm Gừng tươi và Đại táo).
Liều từ 12 - 20g lượng có thể dùng đến 40 - 80g, dùng làm thuốc thang, ngâm rượu hoặc thuốc cao, hoàn tán. Trường hợp có hỏa uất bên trong đờm ẩm khí trệ, thấp thịnh không nên dùng.