KHỔ SÂM

Thứ năm - 11/09/2014 08:08

.

.
KHỔ SÂM ( CHO LÁ ) Folium Tonkinensis Tên khác: Khổ sâm Bắc bộ, cù đèn, co chạy đón (Thái), croton du Tonkien, croton du Nord Vietnam (Pháp). Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IX - Thanh nhiệt táo thấp.


Mô tả: Cây nhỏ cao 1-1,5m, cành non mảnh. Lá mọc so le, có khi tụ họp 3-4 lá như kiểu mọc vòng, hai mặt có lông óng ánh như lá nhót, phủ dày hơn ở mặt dưới; phiến lá hình ngọn giáo, dài 5-9cm, rộng 1-3cm, chóp nhọn dài thành mũi nhọn, mép nguyên, 3 gân toả từ gốc, cũng với 2 tuyến dạng răng cưa. Hoa nhỏ trắng mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, đơn tính cùng gốc. Quả có 3 mảnh vỏ. Hạt hình trứng, màu nâu. Mùa hoa quả tháng 5-8.

Phân bố : Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, trong các vườn gia đình hoặc vườn thuốc, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Thu hái: Thu hái lá khi cây đang có hoa, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao vàng.

Bộ phận dùng: Lá (Folium Tonkinensis).

Thành phần hoá học: Flavonoid, alcaloid, tanin, polyphenol.

Công năng: Có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, sát khuẩn.

Công dụng: Khổ sâm được dùng trị nhọt, sang lở, chốc đầu (sắc uống và dùng ngoài), đau bụng khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày, tá tràng.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10 - 20g, dạng thuốc bột hay thuốc sắc.


Bài thuốc:

1. Chữa loét dạ dày tá tràng:

+ Lá khổ sâm, Bồ công anh, Nhân trần, mỗi vị 12g; lá Khôi, Chút chít, mỗi vị 10g. Tán bột, mỗi ngày uống 30g với nước đun sôi để nguội.

+ Lá Khổ sâm 12g, lá Khôi 40g, Bồ công anh 20g, Uất kim, Hậu phác mỗi vị 12g, Ngải cứu 8g, Cam thảo 8g. Sắc uống, hoặc nấu cao pha siro uống.

2. Chữa đau bụng không rõ nguyên nhân: Hái mấy lá Khổ sâm, nhai với mấy hạt muối; nếu có nôn hay sôi bụng thì nhai với một miếng gừng sống.

3. Chữa đau bụng lâm râm, hay sau khi ăn đau bụng, khó tiêu: Lá Khổ sâm, dây Ngấy hương, đều phơi khô, mỗi thứ một nắm (30-40g), thêm 3 lát gừng, sắc uống. Hoặc thường dùng sắc 2 thứ lá trên uống thay trà.

4. Chữa kiết lỵ hay đau bụng đi ngoài: Dùng lá Khổ sâm và lá Phèn đen mỗi thứ một nắm sắc uống, hoặc lá Khổ sâm, Rau sam, Cỏ sữa, Nhọ nồi, Lá mơ lông, mỗi vị 10g sắc uống, ngày 1 thang.

5. Chữa khắp mình nổi mẩn ngứa, muốn gãi luôn: Dùng lá Khổ sâm, Kinh giới, lá Đắng cay, lá Trầu không, nấu nước xông và tắm rửa.

6. Chữa vẩy nến: Khổ sâm 15g, Huyền sâm 15g, Kim ngân 15g, Sinh địa 15g, quả Ké 10g, tán bột làm thành viên, ngày uống 20-25g.

Chú ý: Dễ nhầm với cây Xoan rừng (Brucea javanica (L.) Merr.) thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae) cũng mang tên Khổ sâm.

 

Nguồn tin: www.thuocdongduoc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây