HỒNG HOA

Chủ nhật - 31/08/2014 08:02

.

.
HỔNG HOA (Flos Carthami) Hồng hoa là hoa phơi hay sấy khô của cây Hoa hồng (có hoa màu đỏ) Carthamus tinctorius L. dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Tân tu bản thảo, thuộc họ Hoa cúc ( Asteraceae - Compositae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVII - Hoạt huyết khứ ứ.


 Cây mọc nhiều ở Trung Quốc tại các tỉnh Hà Nam, Triết Giang, Tứ Xuyên, ở Việt Nam mọc nhiều ở Hà Giang ( Hà Tuyên). Khi hái phải đúng lúc hoa có màu hồng là lúc hoa đủ tuổi, nhiều hoạt chất, phơi trong mát.

Tính vị qui kinh:

Vị cay tính ôn, qui kinh Can Tâm.

Theo các Y văn cổ:

  • Sách Khai bảo bản thảo: "cay ôn không độc".
  • Sách Thang dịch bản thảo: " cay mà ngọt, ôn đắng".
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: "nhập Tâm can".
  • Sách Bản thảo kinh giải: "nhập túc quyết âm can, can kinh, thủ thái âm phế kinh".

Thành phần chủ yếu:

Trong Hồng hoa có chừng 0,3 -0,6% chất gluxit gọi là cactamin (Carthamin) C12H22011 (sắc tố màu hồng), một số sắc tố màu vàng có công thức C24H30015 tan trong nước và rượu. Dung dịch nước rất chóng bị phân giải. Carthamin là một chất tinh thể màu đỏ khi tác dụng với HCl lạnh sẽ cho Iso-Carthamin thủy phân sẽ cho glucoza và Carthamindin (Hồng hoa tố).

Tác dụng dược lý:

A.Theo dược lý cổ truyền:

Thuốc có tác dụng hoạt huyết khu ứ thông kinh. Chủ trị các chứng đau kinh, kinh bế, sau sanh đau bụng, đau do ứ huyết, các chứng trưng hà tích tụ, đau khớp, ban chẩn.

Trích đọan y văn cổ:

  • Sách Khai bảo bản thảo: " Chủ sản hậu huyết vận, cấm khẩu, máu xấu không ra hết, cơn đau thắt, thai chết lưu, sắc với rượu uống".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " Hồng hoa là thuốc hành huyết chủ yếu. Chủ trị sau sanh huyết vựng cấm khẩu, máu xấu không ra, nghịch lên xung tâm sinh ra hôn mê chóng mặt, cấm khẩu . trong bụng đau do máu xấu không ra hết, thai chết trong bụng, nếu không hành huyết hoạt huyết thì thai không ra. Thuốc có tác dụng hành huyết nên trị được đau bụng, trục được thai ra".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Hồng hoa là thuốc phá huyết, hành huyết, hòa huyết chủ trị nhiều bệnh thai sản do huyết hoặc do huyết phiền, huyết vựng, hôn mê không nói được hoặc do máu xấu hại tâm, bụng rốn đau, bào thai không ra, thai chết trong bụng, không có Hồng hoa không trị được".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa viết: " Hồng hoa chuyên thông lợi kinh mạch là khí dược trong huyết, vừa có thể tả vừa có thể bổ, nếu dùng lượng 3 - 4 đồng cân thì thuốc quá cay ôn khiến huyết tẩu tán. Cùng với Tô mộc trục ứ huyết, hợp với Nhục quế thông kinh bế, hợp với Qui thược trị đau toàn thân hoặc ngực bụng đau do tác dụng hoạt huyết. Nếu dùng 7 - 8 phân để sơ can, khí trợ huyết hải, đại bổ huyết hư, đó là tác dụng điều hòa huyết, nếu chỉ dùng 2 - 3 phân thuốc vào tâm, giải tà nhiệt ở tâm làm cho huyết được điều hòa".

B.Kết quả nghiên cưú dược lý hiện đại:

1.Hồng hoa có tác dụng tăng co bóp tử cung rõ rệt, liều lượng nhỏ làm cho tử cung co bóp đều, lượng lớn làm cho tử cung co bóp tăng nhịp, thậm chí làm rung cơ tử cung, đối với tử cung của động vật có thai tác dụng làm tăng co bóp càng rõ. Đối với cơ trơn của ruột, thuốc cũng có tác dụng hưng phấn thời gian ngắn.

2.Thuốc có tác dụng hạ áp: làm tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim và lưu lượng máu động mạch vành của chó được gây mê.

3.Thuốc có tác dụng ức chế sự ngưng tập tiểu cầu. Thuốc còn có tác dụng bảo vệ chống nhồi máu cơ tim trên mô hình thắt động mạch vành của chó hoặc gây thiếu máu cơ tim trên chuột bạch lớn.
 

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bệnh phụ khoa: Rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, sau sinh máu xấu không ra hết, dùng các bài:

  • Hồng hoa tửu: Hồng hoa 10g, sức với rượu chia 3 lần uống. Trị đau kinh.
  • Hồng hoa 5g, Xuyên khung, Đương qui, Hương phụ, Diên hồ sách đều 10g, sắc nước uống hoặc phối hợp với rượu Đương qui uống, trị đau bụng kinh.
  • Hồng hoa 3g, Ích mẫu thảo 15g, Sơn tra 10g, cho đường đỏ vừa đủ uống. Trị sau sanh máu xấu không ra hết.

2.Trị đau sưng tấy do chấn thương ngoại khoa: dùng các bài:

  • Hồng hoa, Đào nhân, Sài hồ, Đương qui đều 10g, Đại hoàng 8g, rượu và nước mỗi thứ một nửa sắcuống.
  • Hồng hoa, Đào nhân, Đương qui vĩ đều 120g, Chi tử 240g, tán bột mịn trộn đều với giấm lượng vừa đủ đun nóng đắp chỗ đau.

3.Trị sở ban mọc không đều, ung nhọt:

  • Đương qui - Hồng hoa ẩm: Đương qui 6g, Hồng hoa 4g, Tử thảo, Đại thanh diệp, Liên kiều, Ngưu bàng tử đều 10g, Hoàng liên 5g, Cam thảo 3g, Cát căn 10g sắc nước uống.

4.Trị huyết khối ở não: Khương Anh Như dùng Hồng hoa 50% - 15 ml(có tương đương 75g thuốc sống), gia vào 500ml glucoz 10% truyền tĩnh mạch ngày một lần, 15 ngày là một liệu trình. Trị cho 137 ca, tỷ lệ có kết quả 94,7% ( Tạp chí Y dược Sơn tây 1983, 5:297).

5.Trị bệnh mạch vành: Vương Đại Tuấn dùng 50% dịch chích Hồng hoa cho vào dung dịch glucoz chích tĩnh mạch, nhỏ giọt tĩnh mạch hoặc chích bắp, trị 100 ca. Cơn đau thắt ngực có kết quả là 80,8%, kết quả điện tâm đồ 26%, chuyển biến tốt 40%. Đối với chứng cao huyết áp, xơ cứng động mạch não gây đau đầu, váng đầu, hồi hộp, cũng có kết quả nhất định( Tạp chí Tim mạch 1976,4(4):265).

6.Trị lóet hành tá tràng: dùng Hồng hoa 60g, Đại táo 12 quả cho nước 300ml, sắc còn 150ml lọc cho mật ong 60g trộn đều, mỗi ngày uống nóng 1 lần, ăn táo uống liền 20 thang. Trị 12 ca đều khỏi (1985,4:20).

7.Trị viêm da thần kinh: dùng dịch Hồng hoa phong bế trị 70 ca: khỏi 25 ca, tốt 35 ca, không kết quả 10 ca. Tỷ lệ kết quả 85,7% ( Tân y học 1974,5(12):609).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 - 10g, cho vào thuốc thang sắc uống.
  • Trên lâm sàng hay dùng trị cơn đau thắt ngực, viêm tắc động mạch.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây