DÂM DƯƠNG HOẮC

Thứ hai - 28/07/2014 16:09

.

.
DÂM DƯƠNG HOẮC ( Herba Epimedii) Dâm dương hoắc còn gọi là Tiên linh tỳ, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Dùng toàn cây (phần lớn dùng lá, cũng có thể dùng thân và cành), là vị thuốc lấy từ nhiều cây thuộc chi Epimadium như Dâm dương hoắc lá to ( Epimedium macranthum Morr. Et Decne), Dâm dương hoắc lá mác ( Epimedium sagittatum (Sieb et Zucc.) Maxim ( E. Sinense Sieb. Ex Hace) hoặc cây Dâm dương hoắc lá hình tim ( Epimedium brevicornu Maxim) đều thuộc họ Hoàng liên gai ( Berberidaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVII - Bổ dương.

Tính vị qui kinh:

Vị cay ngọt, tính ôn, qui kinh Can Thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: cay hàn.
  • Sách Dược tính bản thảo: ngọt bình.
  • Sách Độc bản thảo: ôn.
  • Sách Trấn nam bản thảo: nhập Can Thận.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập Thủ túc dương minh, Tam tiêu, Mệnh môn.
  • Sách Bản thảo sơ chứng: nhập thủ quyết âm, túc thiếu dương, quyết âm.

Thành phần chủ yếu:

Icariin, benzene, steroid, tanin, palmitic acid, linolenic acid, oleic acid, vitamin A.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bổ thận tráng dương, khu phong trừ thấp. Chủ trị các chứng liệt dương, vô sinh, phong hàn thấp tý, bán thân bất toại.

  • Sách Bản kinh: " chủ âm nuy tuyệt thương, cân trung thống, lợi tiểu tiện, ích khí lực, cường chí".
  • Sách Danh y biệt lục: " kiện gân cốt, tiêu loa lịch, hạ bộ hữu sang. trượng phu cửu phục, lịnh nhân vô tử ( ý nói dùng thuốc lâu ngày thì không có con)".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị phong lãnh lão khí, bổ yêu tất cường tâm lực, trượng phu tuyệt dương bất khởi, nữ nhân tuyệt âm vô tử, gân cốt rung giật, chân tay tê dại."

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng như kích tố nam, cho uống cao Dâm dương hoắc có kích thích xuất tinh (tác dụng của lá và rễ mạnh, còn quả yếu hơn, thân cây kém).
  2. Có tác dụng hạ áp, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, dãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu đầu chi, cải thiện vi tuần hoàn, làm dãn mạch máu não, tăng lưu lượng máu ở não.
  3. Có tác dụng hạ lipid huyết và đường huyết.
  4. Tác dụng kháng virus: nước sắc của thuốc có tác dụng ức chế mạnh virus bại liệt các loại I, II, III và sabin I ( theo bài: Tác dụng của Trung dược đối với virus đường ruột và virus bại liệt đăng trên Tạp chí Trung hoa y học, 50(8):521-524, 1964).
  5. Dùng lượng ít thuốc có tác dụng lợi tiểu, lượng nhiều chống lợi tiểu.
  6. Thuốc có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể và tác dụng song phương điều tiết.
  7. Có tác dụng giảm ho hóa đờm, bình suyễn và an thần rõ rệt.
  8. Có tác dụng kháng khuẩn chống viêm: tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, dung dịch 1%, có tác dụng ức chế trực khuẩn lao. Cho thỏ uống thuốc với nồng độ 15mg/kg cân nặng, nhận thấy thuốc có tác dụng kháng histamin.
  9. Dịch tiêm Dâm dương hoắc in vitro có tác dụng làm tăng trưởng xương đùi của phôi gà.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng thận hư dương nuy (bao gồm: liệt dương, di tinh, tảo tiết), phụ nữ vô sinh: có thể chọn các bài sau:

  • Dâm dương hoắc 40g ngâm vào 500ml rượu gạo hoặc nếp, 20 ngày sau đem uống mỗi lần 10 - 20ml, ngày 2 - 3 lần trước bữa ăn. Hoặc dùng rượu cồn Dâm dương hoắc 20% ( tức Dâm dương hoắc ngâm cồn), ngày uống 3 lần mỗi lần 5ml trước bữa ăn. Dịch tiêm bắp mỗi lần 1 ống (2 ml), ngày 2 lần, trị trẻ em bại liệt thời kỳ cấp có kết quả. Đối với thời kỳ di chứng kết hợp thủy châm vào huyệt có kết quả nhất định.

2.Trị cao huyết áp: chỉ định chủ yếu đối với thể âm dương lưỡng hư dùng bài Nhị tiên thang: Tiên mao 16g, Tiên linh tỳ 16g, Đương qui 12g, Hoàng bá 12g, Tri mẫu 12g, sắc uống. Bài thuốc dùng tốt đối với huyết áp cao, thời kỳ tiền mãn kinh và kết quả theo dõi lâm sàng nhận thấy kết quả lâu dài của thuốc là tốt.

3.Trị bệnh động mạch vành: Uống viên Dâm dương hoắc mỗi lần 4 - 6 viên ( mỗi viên tương đương với thuốc sống 2,7g), ngày uống 2 lần, 1 tháng là một liệu trình. Theo dõi 103 ca, đối với cơn đau thắt ngực và các triệu chứng khác đều có kết quả, thuốc có tác dụng an thần ( Theo báo cáo của Tổ phòng trị bệnh mạch vành của Y viện Giải phóng quân nhân dân Trung quóc đăng Trong Tạp chí Tân y dược học năm 1975,12:26).

4.Trị viêm phế quản mạn tính:Tác giả cho uống toàn Dâm dương hoắc và theo dõi 1066 ca, có kết quả chung, tỷ lệ 74,6%, riêng kết quả giảm ho 86,8%, khu đàm 87,9%, bình suyễn 73,8%, dùng càng lâu kết quả càng tốt ( Tạp chí Vệ sinh Hồ bắc 1972,7:15).

5.Trị suy nhược thần kinh: Lý hải Vượng và cộng sự đã dùng 3 loại thuốc Dâm dương hoắc theo cách chế khác nhau, trị 228 ca chia 3 tổ:

+ Tổ 1: có 138 ca, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 viên ( mỗi viên tương đương 2,8g thuốc sống.

+ Tổ 2: có 61 ca, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên ( mỗi viên tương đương 3g thuốc sống).

+ Tổ 3: có 29 ca, mỗi lần uống 20mg, ngày 3 lần (20mg thuốc tương đương với 10g thuốc sống).

Kết quả theo từng tổ là 89,85% - 93,69%, kết quả tương đối ổn định ( Tạp chí Trung y 1982,11:70).

6.Trị viêm cơ tim do virus: mỗi lần uống viên cao Dâm dương hoắc 7 - 10 viên (tương đương thuốc sống 2,7g, ngày 3 lần, liên tục trong 7 tháng, đồng thời dùng vitamin C 3g cho vào 10% glucoz 500ml, tiêm truyền tĩnh mạch hoặc cho vào 10% glucoz 30ml, tiêm tĩnh mạch chậm, 15 lần là một liệu trình, dùng liên tục 3 liệu trình, theo dõi 36 ca, kết quả tốt 69,44% ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,9:523).

7.Trị chứng giảm bạch cầu: dùng lá chế thành dạng thuốc trà bột pha uống, mỗi bao tương đương thuốc sống 15g. Cách cho uống thuốc: tuần đầu 3 bao/ngày; tuần thứ hai 2 bao/ngày; liệu trình 30 - 45 ngày, trong thời gian điều trị không dùng các thuốc tăng bạch cầu và vitamin. Trong số 22 ca có 14 ca uống thuốc đúng yêu cầu thì khỏi trước mắt có 3 ca kết quả rõ rệt, 4 ca có kết quả, 4 ca không kết quả ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1985, 12:719).

Liều dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều: 8 -1 5g, sắc ngâm rượu, nấu cao hoặc làm thuốc hoàn tán.
  • Tính chất thuốc táo dễ làm tổn thương chân âm nên không dùng đối với trường hợp âm hư hỏa vượng, tính dục mạnh. Thuốc đối với một số bệnh nhân có thể gây tác dụng phụ như váng đầu, nôn, mồm khô, chảy máu mũi cần được chú ý.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây