Bồ hoàng dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh: cây Cỏ nến mọc hoang ở những vùng đầm lầy miền Bắc nước ta nhưng chưa được khai thác. Ở Trung quốc, cây Bồ hoàng mọc nhiều ở tỉnh Triết giang, Giang tô, An huy, Sơn đông, Hồ bắc.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt, tính bình. Qui kinh Can, Tâm bào.
- Sách Bản kinh: vị ngọt tính bình.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, Bản thảo chính: vị hơi ngọt, tính hơi hàn.
- Sách Bản thảo hội ngôn: để sống tính lương, sao lên vị sáp.
- Sách Bản thảo cương mục: thủ túc quyết âm, phần huyết.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thủ thiếu âm, thái dương, thái âm, túc dương minh, quyết âm.
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập tỳ kinh.
Tác dụng dược lý:
A. Theo dược lý cổ truyền: Hành huyết khứ ứ, thu sáp chỉ huyết, lợi tiểu. Chủ trị các chứng tâm phúc thống, sau sinh đau do ứ huyết, đau kinh, các chứng xuất huyết như: lạc huyết, nục huyết, thổ huyết, niệu huyết, tiện huyết, băng lậu, chấn thương xuất huyết, chứng huyết lâm, tiểu đau, khó đi tiểu.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ tâm phúc bàng quang hàn nhiệt, lợi tiểu tiện, chỉ huyết, tiêu ứ huyết. Uống lâu người khỏe nhẹ, khí lực tăng".
- Sách Dược tính bản thảo: " Thông kinh mạch, trị phụ nữ băng huyết không cầm, chủ lợi huyết, cầm máu cam, trị niệu huyết, lợi thủy đạo".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị mụn lở ( sang tiết) tháo mủ ( bài nùng) trị phụ nữ đới hạ, kinh nguyệt không đều, huyết khí tâm phúc thống, đàn bà có mang trụy thai ra máu, huyết trưng, tiểu tiện không thông, trường phong tả huyết, du phong thũng độc, chảy máu mũi, thổ huyết, lợi sữa, cầm hoạt tinh, huyết lî, ... cần phá huyết tiêu phù thì dùng sống, cần bổ huyết, chỉ huyết thì sao lên."
- Sách Bản thảo cương mục, quyển 19: Bồ hoàng " lương huyết, hoạt huyết chỉ tâm phúc thống..."
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng tăng nhanh máu đông: trên ống nghiệm, thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian máu đông ( dùng nước sắc Bồ hoàng ). Cho thỏ uống nước ngâm kiệt hoặc 50% cồn Bồ hoàng đều có làm cho thời gian máu đông của thỏ rút ngắn. Chích dưới da dịch chiết Bồ hoàng khiến tiểu cầu của thỏ tăng, thời gian prothrombin rút ngắn. Trên thực nghiệm làm chảy máu động mạch đùi của chó đã gây mê, đắp bột Bồ hoàng tại vết thương có tác dụng cầm máu. Uống nước Bồ hoàng cũng làm cho thời gian đông máu của thỏ và thời gian chảy máu của chuột nhắt rút ngắn, đốt thành than tác dụng mạnh hơn.
- Tác dụng đối với hệ tim mạch: thuốc có tác dụng tăng lưu lượng máu của động mạch vành, cải thiện chuyển hóa, có tác dụng giãn mạch, tăng lực co bóp của tim, cải thiện điện tâm đồ, làm giảm lực cản ngoại vi, làm chậm nhịp tim. Cồn chiết xuất Bồ hoàng đối với tim cô lập của cóc, với nồng độ thấp có tác dụng gia tăng sự co bóp tim, với nồng độ cao thì tác dụng ức chế. Trên mô hình gây nhồi máu cơ tim cấp ở thỏ, thuốc có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, bảo vệ cơ tim, có thể hạn chế phạm vi nhồi máu cơ tim, chống sự ngưng tập tiểu cầu.
- Tác dụng phòng trị xơ mỡ động mạch: thuốc có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh rõ rệt, ức chế sự hấp thu Cholesterol ngoại lai của niêm mạc ruột, hạ thấp tỷ lệ bám của tiểu cầu, nâng cao lipoprotein mật độ cao. Thuốc làm cho tốc độ lưu thông máu tăng nhanh, lượng máu động mạch vành tăng, chuyển hóa tăng, nhờ đó mà thuốc có thể phòng trị chứng xơ mỡ động mạch. Có báo cáo cho rằng những tác dụng trên là do bột phấn Bồ hoàng, còn cao lỏng không có những tác dụng trên.
- Tác dụng hạ áp: Nước sắc, cồn chiết xuất Bồ hoàng đều có tác dụng làm cho huyết áp của mèo, chó, thỏ hạ và nhịp tim chậm. Chích vào ổ bụng chó cũng có tác dụng hạ áp, nhưng liều lượng điều trị thường dùng thì không có tác dụng hạ áp.
- Tác dụng đối với tử cung: nước sắc Bồ hoàng dịch chiết bằng ête đều có tác dụng hưng phấn đối với tử cung cô lâïp của chuột Hà lan, chuột cống và chuột nhắt, liều lượng lớn gây co thắt, đối với tử cung chưa mang thai mạnh hơn với tử cung mang thai. Bồ hoàng có thể làm cho tử cung sau sanh trương lực tăng và co bóp tốt hơn. Dịch chiết Bồ hoàng có tác dụng dục sản đối với chuột Hà lan và chuột bạch nhỏ.
- Tác dụng đối với ruột: dịch chiết Bồ hoàng có tác dụng tăng nhu động ruột cô lâïp nhưng bị Atropin phá hủy.
- Tác dụng kháng viêm: trên thực nghiệm chích nước sắc Bồ hoàng vào ổ bụng và đắp thuốc vào chân chuột trắng được gây bỏng và gây viêm khớp háng bằng protein huyết thanh, chứng minh thuốc có tác dụng tiêu phù do thuốc có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn cục bộ và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
- Tác dụng miễn dịch: thuốc có tác dụng ức chế chức năng của tế bào miễn dịch cũng như thể dịch miễn dịch, thuốc làm teo rõ các cơ quan miễn dịch của chuột lớn, nhưng không ảnh hưởng đến tổng số bạch cầu ngoại vi vàkhả năng thực bào của tế bào bạch cầu đa nhân trung tính. Với liều trung bình thuốc có tác dụng ức chế khả năng thực bào của đại cự bào, liều nhỏ không ảnh hưởng nhưng liều cao lại có khả năng tăng cường rõ rệt. Thuốc có xu hướng làm tăng hàm lượng cAMP của lách và tuyến ức chuột.
- Tác dụng chống lao: Nước sắc Bồ hoàng nồng độ cao ( 1:100) có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn lao trong ống nghiệm. Thuốc có tác dụng điều trị chuột Hà lan bị gây lao thực nghiệm.
- Những tác dụng khác của Bồ hoàng: như cồn chiết xuất Bồ hoàng chích tĩnh mạch có tác dụng lợi mật đối với chó gây mê. Trên lâm sàng còn quan sát thấy thuốc có tác dụng lợi tiểu và giảm cơn hen.
- Độc tính của thuốc: Trên thực nghiệm xác định độc tính cấp của Bồ hoàng LD50 là 35,57g/Kg cân nặng. trên chuột Hà lan thuốc có gây dị ứng, rút ngắn thời gian máu đông, làm giảm tổng số hồng bạch cầu, có thể gây dung huyết đối với thỏ nhà.
Thành phần chủ yếu:
Pollen Typhae augustatae-isorhamnentin, pentacosane, alpha-citosterol, palmatic acid,
alpha typhasterol, tinh dầu, mỡ (10 - 30%).
Ứng dụng lâm sàng:
- Trị kinh bế, đau bụng kinh, bụng dưới đau, các chứng đau do huyết ứ.
- Thất tiêu tán (Hòa tễ cục phương): Bồ hoàng, Ngũ linh chi lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 lần, với rượu ấm.
- Bồ hoàng hắc thần tán: Bồ hoàng 10g, Hương phụ 6g, Bào khương thán 3g, Đậu đen 15g, sắc uống trị đau bụng kinh, nước ối ra không hết.
- Bồ hoàng 15g, Đơn sâm 30g, Ngũ linh chi 15g, sắc nước uống trị đau bụng kinh.
2.Trị các chứng xuất huyết do nhiệt:
- Bồ hoàng thang: Bồ hoàng thán 10g, nước và rượu mỗi thứ một nửa sắc uống. Trị các chứng ho ra máu, chảy máu cam, tiêu tiểu có máu, xuất huyết tử cung.
- Than Bồ hoàng, than Ngó sen đều 15g sắc uống. Nếu người bệnh yếu gia thêm Hoàng kỳ 30g, Đảng sâm 25g. Trị xuất huyết tử cung cơ năng.
- Bồ hoàng tán: Bồ hoàng, Đông quỳ tử đều 10g, Sinh địa 15g, sắc uống trị tiểu ra máu.
3.Phòng trị tử cung sau sinh co kém, nước ối ra không dứt: Lôi Vĩnh Trọng cho 31 phụ nữ sau sinh uống bột Bồ hoàng sống mỗi lần 3g, ngày 3 lần, liền 3 ngày kết quả: đáy tử cung xuống trung bình 4,71cm; tổ đối chiếu 3,64cm, tốt hơn tổ dùng Cao Ích mẫu, đồng thời nước ối ra rất nhanh ( Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1963, 9:1).
4.Trị mạch vành: dùng độc vị Bồ hoàng trị 66 ca bệnh động mạch vành, theo dõi 2 tháng, kết quả 89% bớt, hết đau thắt ngực, 48% điện tim được cải thiện, 58% huyết áp hạ, 60% cholesterol huyết thanh giảm, 94% triglycerit giảm rất tốt ( Viện nghiên cứu Trung y dược Hồ nam,1982, 9(3).6).
5.Trị chứng Lipid huyết cao: dùng viên bọc đường Bồ hoàng, mỗi ngày uống tương đương 30g thuốc sống chia 3 lần trị 200 ca, so sánh kết quả trước và sau dùng thuốc, cholesterol và triglycerit giảm rất tốt ( Viện nghiên cứu Trung y dược Hồ nam, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1985, 5(3), 141).
6.Trị huyết áp cao: Sở nghiên cứu trung y dược tỉnh Hồ nam dùng Viên thư tâm (sinh Bồ hoàng, tây Đảng sâm, xuyên Hồng hoa, Khương hoàng phiến, Nga truật, Giáng hương) trị 400 ca, theo dõi kết quả thuốc có tác dụng hạ áp trên dưới 90% ( Hồ nam y dược tạp chí 1977,4:20).
7.Trị chàm: Chúc hoa Dân dùng bột Bồ hoàng sống bôi vào vùng bị chàm trị 30 ca, tất cả đều khỏi sau 6 - 15 ngày điều trị, trong đó có 25 ca hết ngứa ngay từ hôm đầu ( Tạp chí Tân y dược học 1977,9:22).
8.Trị viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu: Dương hiếu Huệ dùng nước chiết Bồ hoàng làm thành viên 0,3g mỗi lần uống 5 viên ngày 3 lần, đồng thời dùng dịch Bồ hoàng 5% - 100ml thụt lưu đại tràng, ngày 1 lần. Kết quả: 17 ca triệu chứng lâm sàng được cải thiện, 2 ca khỏi, 4 ca khỏi cơ bản, 11 ca tốt, 1 ca không khỏi, tỷ lệ kết quả 94,12%, bổ thể C3 tăng lên mức bình thường ( Thông báo Trung dược 1987, 12(8): 48).
Liều dùng và chú ý:
- Uống 3 - 20g, bọc lúc cho vào thuốc thang. Bồi đắp ngoài tùy theo yêu cầu.
- Phụ nữ có thai không dùng ( Bồ hoàng sống có tác dụng co tử cung).
- Không có triệu chứng ứ huyết không dùng ( Sách Bản thảo kinh sơ).