BIỂN SÚC

Thứ tư - 09/07/2014 06:05

Biển súc

Biển súc
BIỂN SÚC Herba Polygoni Avicularis. Biển súc còn gọi là cây Càng tôm, rau đắng, cây xương cá dùng làm thuốc là toàn bộ cây trên mặt đất, được ghi đầu tiên trong sách bản kinh, tên thực vật là Polygonum aviculare L thuộc họ rau răm (Polygonaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIX - Thẩm thấp lợi thủy.



Cây rau đắng mọc nhiều ở nhiều tỉnh như Cao bằng, Lạng sơn, Hà bắc, Hà nội, trồng bằng hạt và cây con, thu hái vào mùa xuân và hạ.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng, hơi hàn, qui kinh Bàng quang.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị khổ bình.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc thái dương bàng quang kinh.

Thành phần chủ yếu:

Avicularin, quercitrin, d-catechol, galic acid, caffeci acid, oxalic acid, silicic acid, chlorogenic acid, p-coumaric acid, glucose, fructose.

 

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Biển súc có tác dụng lợi thủy thông lâm, sát trùng, chỉ dưỡng (chống ngứa).

Chủ trị chứng lâm, lãi đũa, giun móc câu, ghẻ lở (giới tiên).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " trị ghẻ lở, trĩ lóet, giết 3 loại trùng".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " lợi tiểu tiện, trị ngũ lâm bạch trọc, nhiệt lâm, ứ tinh, sáp bế quan khiếu, trị phụ nhân khí uất, vị trung thấp nhiệt, bạch đới".
  • Sách Bản thảo cương mục: " trị hoắc loạn, hoàng đản, lợi tiểu tiện".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, hạ áp.
  2. Thuốc có tác dụng ức chế trực khuẩn kî và một số nấm ngoài da.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị viêm đường niệu: tiểu buốt, tiểu khó thể thấp nhiệt dùng các bài:

  • Bát trân tán: (xem vị thuốc Xa tiền tử).
  • Độc vị Rau đắng 20g sắc uống hoặc cùng dùng với Xa tiền thảo, Thạch vỹ đều 12g, Cam thảo 6g sắc uống. Trường hợp tiểu có máu, phối hợp với Tiểu kế, Bồ hoàng, Bạch mao căn, có sạn gia thêm Kim tiền thảo.

2.Trị viêm ruột, kiết lî:

  • Biển súc 16g, Xa tiền tử 12g, Tiên hạc thảo 16g, sắc nước uống trị tiêu chảy do thấp nhiệt.
  • Biển súc chế thành xirô hàm lượng 1ml có 1gam thuốc, mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 - 3 lần. Tác giả theo dõi 108 bệnh nhân, khỏi 104 ca, thời gian hết sốt bình quân 1 ngày, hết đau bụng 4 ngày, phân bình thường sau 5 ngày. Sau khi xuất viện 36 ca bệnh nhân được theo dõi 1 - 12 tháng, có 2 ca tái phát tiếp tục trị khỏi. Thời gian uống thuốc không có phản ứng phụ nào (Báo cáo của Bệnh viện số 1, trực thuộc Viện Y học Hồ bắc, tờ Thông tin Trung thảo dược 1972,3:24).

3.Trị trùng roi âm đạo, ngứa ngoài da, giun đũa, giun móc câu:

  • Biển súc tươi 250g cho vào 1500ml nước sắc rửa ngứa ngoài da, âm đạo trùng roi.
  • Biển súc 40g sắc đặc ngày 1 thang uống trong 3 ngày liền, trị giun móc.
  • Biển súc 40g, giấm lâu năm 120g, gia nước 3 chén còn 1 chén chia 2 lần uống, trị giun chui ống mật.

4.Trị đau răng: mỗi ngày dùng Biển súc 50 - 100g sắc nước chia 2 lần uống trị 81 ca, khỏi 80 ca sau khi uống thuốc 2 - 3 ngày (Báo Trung y Thiểm tây 1986,1:28).

Ngoài ra có tác giả báo cáo dùng Biển súc 40 - 80g tươi, gia trứng gà mấy cái, gừng tươi vừa đủ sắc uống trong ngày 1 lần trong 20 ngày. Trị tiểu đục khỏi.

Liều thường dùng:

  • Liều 10 - 15 g.
  • Dùng tươi nhiều hơn, dùng ngoài tùy yêu cầu.
 

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây