BẠCH MAO CĂN

Thứ ba - 08/07/2014 19:07

Bạch mao căn

Bạch mao căn
BẠCH MAO CĂN Rhizoma Imperatae Cylindricae. Bạch mao căn là rễ cỏ tranh, còn gọi là Mao căn, Mao thảo căn là thân rễ phơi hay sấy khô của cây tranh hay cỏ tranh Imperata cylindrica (L) Beauv. var. major (Nees) c.E.Hubb. thuộc họ Lúa Poaceae ( Gramineae) . Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm X - Thanh nhiệt lương huyết.

 

Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Rễ tranh dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt tính hàn. Qui kinh Phế, Vị, Bàng quang.

Theo các sách cổ:

  • Sách Bản kinh: Vị ngọt hàn.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thủ thiếu âm, túc thái âm, dương minh.
  • Sách Đắc phối bản thảo: nhập thủ thiếu âm, thái âm, túc thái âm, dương minh kinh.
  • Sách Bản thảo cầu chân: nhập Vị Can.

Thành phần chủ yếu:

Cylindrin, Arundoin, Fermenol, Potassium, Calcium, Glucose, Fructose, Oxalic acid.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt lợi tiểu, thanh phế vị nhiệt. Chủ trị các chứng nục huyết, khái huyết, thổ huyết, niệu huyết, nhiệt lâm, tiểu tiện khó, phù, hoàng đản, thấp nhiệt, bệnh nhiệt phiền khát, vị nhiệt nôn ọe, phế nhiệt khái thấu.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " Trị lao thương gầy yếu, bổ trung ích khí trừ ứ huyết, huyết bế, hàn nhiệt, lợi tiểu tiện."
  • Sách Danh y biệt lục: " Hạ ngũ lâm, trừ khách nhiệt tại trường vị, chỉ khát kiện căn, phụ nữ băng huyết. Uống lâu có lợi."
  • Sách Bản thảo cương mục: " Bạch mao căn ngọt, năng trừ phục nhiệt, lợi tiểu tiện, năng chỉ huyết, trừ uế nghịch, suyễn tức, tiêu khát, trị Hoàng đản, thủy thũng."
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Giải độc rượu, trị ung thư dùng giã đắp hoặc sắc nước đắp."
  • Sách Y học trung trung thâm tây lục: " Ruột rỗng có đốt, tối thiện thấu phát tạng phủ uất nhiệt, giải độc đậu chẩn, thiện lợi tiểu tiện, giảm đau của chứng lâm, tiểu tiện ít do nhiệt , thân phù bụng trướng, thuốc còn nhập phế, thanh phế nhiệt chỉ khái định suyễn, dùng tươi nhai có nhiều dịch nên nhập vị tư âm sinh tân chỉ khát, còn trị phế vị nhiệt, khái huyết, thổ huyết, nục huyết, tiểu tiện có huyết, dùng tươi có tác dụng tốt hơn."
  • Sách Bản thảo chính nghĩa: " Bạch mao căn hàn lương mà vị rất ngọt, có thể thanh nhiệt tại phần huyết mà không gây táo, cũng không nê trệ nên lương huyết mà không sợ tích ứ. Chủ trị thổ huyết, nục huyết, tả giáng hỏa nghịch rất tốt, còn chủ trị vị hỏa uế nghịch ẩu thổ, phế nhiệt khí nghịch suyễn mãn. Thuốc còn trị chứng tiêu sinh táo khát. Còn trị tiểu ra máu, trị phụ nữ huyết nhiệt lộng hành sinh băng đới, thuốc có tác dụng thông lợi, tả nhiệt kết gây phù, trị hoàng đản do uất nhiệt. Thuốc có sở trừơng thanh tả phế vị nhiệt nên dùng làm thuốc hổ trợ trị các chứng đau răng, sưng nướu, nha cam, mồm lưỡi lở, họng đau lóet, rất hay."

B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1.Tác dụng làm đông máu nhanh: Bột Mao căn làm rút ngắn thời gian hồi phục canxi của huyết tương thỏ thực nghiệm.

2.Tác dụng lợi niệu: dùng thuốc sắc hoặc nước ngâm kiệt thụt dạ dày thỏ bình thường có tác dụng lợi niệu, nhiều nhất là sau 5 ngày đến 10 ngày. Tác dụng này có liên quan đến hệ thần kinh hoặc do thuốc có nhiều muối kali.

3.Tác dụng ức chế vi khuẩn: thuốc sắc còn có tác dụng ức chế trực khuẩn lî Flexner và Sonnei, nhưng đối với trực khuẩn Shigella thì không có tác dụng.

4.Ảnh hưởng của thuốc đối với cơ tim hấp thu lượng 86 Mao căn chiết xuất với nước và rượu hỗn hợp, với nồng độ 2:1 ; 0,2ml/10g chích ổ bụng làm cho lượng hấp thu Rb của cơ tim chuột nhắt thí nghiệm tăng lên 47,4%.

5.Mao căn không có tác dụng giải nhiệt.

6.Độc tính: Dùng nước sắc thuốc bơm nuôi thỏ nhà với liều 25g/kg, 36 giờ sau, hoạt động của thỏ bị ức chế, vận động chậm, hô hấp tăng nhanh nhưng hồi phục lại bình thường không lâu. Trường hợp chích tĩnh mạch với liều 10 - 15g/kg thì xuất hiện thở nhanh, vận động giảm 1 giờ sau hồi phục dần, nếu chích với liều 25g/kg, 6 giờ sau thỏ chết.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị sốt xuất huyết: Dùng Mao căn 50 - 100g, Đơn sâm 20 - 30g, Lô căn 30 - 40g, Hoàng bá, Đơn bì đều 10 - 15g, Bội lan 15 - 30g, tùy chứng gia vị, đã trị 60 ca xuất huyết, mỗi ngày 1 - 3 thang sắc chia nhiều lần uống. Có kết hợp dùng sinh tố C 2 - 3g/ mỗi ngày, truyền dịch và cho thuốc tây cầm máu lúc chảy máu nhiều, chỉ có 2 ca tử vong còn hồi phục tốt so với tổ đơn thuần dùng thuốc tây tốt hơn và sự khác biệt có ý nghĩa thông kê ( Báo cáo của Hạ viễn Lục, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986.6(4):212).

2.Trị chảy máu cam: Chi tử 18g, Mao căn tươi 120g (hoặc Mao căn khô 36g) sắc uống nóng sau ăn hoặc trước lúc ngủ, có kết quả đối với chảy máu cam thể phế vị thực nhiệt, tâm hỏa bốc, uống 1 - 3 thang có kết quả.

3.Trị viêm thận cấp: Bạch mao căn khô 250g, nước 500ml sắc nước chia 2 - 3 lần uống, trị viêm thận cấp trẻ em, có 11 ca, 9 ca khỏi, 2 ca tốt, trung bình mỗi bệnh nhân uống 42 thang, so với tổ đối chiếu tỷ lệ khỏi cao hơn 21% ( Báo cáo của Lưu Tuấn Quảng đông y học 1965, 3:28).

4.Dùng thanh nhiệt giáng hỏa: Trong các trường hợp nội nhiệt phiền khát, phế nhiệt khó thở, vị nhiệt nôn ói.

  • Mao căn tươi 40g sắc uống, lúc thuốc ấm sau khi ăn. Trị chứng phế nhiệt khó thở.
  • Mao cát thang: Mao căn 12g, Cát căn 12g, sắc nước uống trị chứng nấc cụt do nhiệt.

5.Dùng lương huyết chỉ huyết: Trị chứng nhiệt thịnh gây nôn ra máu, chảy máu cam.

  • Tam tiên ẩm: Tiên mao căn 40g, Tiên tiểu kế 20g, Tiên ngẫu tiết 40g, sắc uống trị chứng hư lao trong đờm có máu ( có thể dùng cho bệnh lao, giãn phế quản ho ra máu).
  • Mao căn 40g, Đại kế căn 20g sắc uống trị tiểu ra máu.

6.Dùng lợi tiểu tiêu phù: Trong các trường hợp viêm cầu thận cấp, phù, nước tiểu ít, thấp nhiệt hoàng đản.

  • Bạch mao căn tươi ( cạo sạch vỏ) 80 - 160g, Bạch anh tươi 80g, Thịt nạc heo 160g nấu ăn. Trị viêm gan hoàng đản tiểu tiện ít.
  • Bạch mao căn tươi, Tây qua bì đều 40g, Ngọc mễ tu 12g, Xích tiểu đậu 16g, sắc uống . Trị viêm cầu thận cấp.
  • Trà lợi tiểu: Râu ngô 40g, Xa tiền 25g, Rễ cỏ tranh 30g, Hoa cúc 5g, tất cả thái nhỏ trộn đều. Mỗi lần cân 50g pha thành 0,75lít, chia uống trong ngày vòa lúc khát.

7.Dùng phòng ngừa ho gà: Bạch mao căn 20g, Cam thảo 8g, Bắc sa sâm 12g, sắc uống ngày 1 thang.

Liều dùng và chú ý:

  • uống và cho vào thang thuốc: 15 - 30g. Dùng tươi lượng gấp đôi, dùng nhiều có thể tới 250g đến 500g. Dùng tươi có thể giã lấy nước uống. Sao cháy chỉ để dùng cầm máu.

Nguồn tin: ( Theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: gọi là

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây