Thuốc điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đau liên quan đến cột sống, tuy nhiên có nhiều thuốc giảm đau bị hạn chế ở người cao tuổi do suy giảm chức năng cơ quan như gan, thận, các bệnh lý mắc kèm và tương tác với các thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng. Do vậy, việc lựa chọn thuốc điều trị để giảm đau liên quan đến cột sống là một vấn đề nan giải đối với các bác sĩ lâm sàng.
Một bài viết tổng quan về các liệu pháp giảm đau liên quan đến cột sống bằng thuốc ở người cao tuổi đã được công bố trên tạp chí
Drug&Aging vào cuối tháng Sáu năm 2022. Bài review này chủ yếu tập trung vào chuyển hóa và các phản ứng có hại (adverse drug reaction – ADR) của thuốc. Chúng tôi xin phép tóm lược kết quả của bài tổng quan đến quý nhân viên y tế.
thuốc và tuổi già ( ảnh từ internet)
Thuốc giảm đau thường được kê đơn
Dựa theo kết quả tìm kiếm trên PubMed/OVID với từ khóa cột sống, cổ và đau lưng thuốc giảm đau thường được kê đơn để kiểm soát đau liên quan đến cột sống bao gồm: thuốc kháng viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatories – NSAID), acetaminophen, corticosteroid, gabapentin, pregabalin, thuốc phòng và giảm co thắt (antispastic), thuốc giãn cơ (antispasmodic muscle relaxants), thuốc điều trị trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants – TCA), chất ức chế tái thu hồi serotonin – nonrepinephrine (serotonin-norepinephrine reuptake inhibitors – SNRI), tramadol và opioid.
Kết quả so sánh các thuốc giảm đau liên quan đến cột sống ở người cao tuổi
Acetaminophen là lựa chọn an toàn đối với người cao tuổi, nhưng NSAID (như ibuprofen) lại có vẻ như hiệu quả hơn trong việc kiểm soát đau liên quan đến cột sống. NSAID nên được lựa chọn trong thời gian ngắn và với liều thấp. Khi kê đơn NSAID, nên lưu ý đến các tác động bất lợi trên đường tiêu hóa.
Corticosteroid là lựa chọn điều trị có ít bằng chứng trong điều trị đau lưng không đặc hiệu. Gabapentin và pregabalin có thể gây ra chóng mặt hoặc khó khăn khi đi lại, tuy nhiên hai biện pháp điều trị này có thể có lợi ích trong điều trị đau cổ và đau thần kinh lưng (chẳng hạn đau thần kinh hông) ở người cao tuổi. Gabapentin và pregabalin nên được dùng với liều thấp và hiệu chỉnh với từng liều nhỏ.
Các thuốc giãn cơ (carisoprodol, chlorzoxazone, cyclobenzaprine, metaxalone, methocarbamol và orphenadrine) không nên được lựa chọn để kiểm soát đau liên quan đến cột sống ở người cao tuổi do nguy cơ té ngã và an thần.
thuốc và tuổi già ( ảnh từ internet)
Các lựa chọn điều trị khác như tizanidine, baclofen, dantrolene có thể hữu ích trong việc điều trị đau cổ và đau lưng. Trong đó tizanidine và baclofen là hai biện pháp điều trị có nhiều bằng chứng ủng hộ hơn cả. Các thuốc này nên được dùng với liều giảm. Không nên kê đơn tizanidine cho bệnh nhân mắc bệnh gan và nên giảm liều baclofen ở bệnh nhân mắc bệnh thận.
Các thuốc điều trị trầm cảm thế hệ cũ thường không nên được kê đơn ở người cao tuổi vì các tác động bất lợi, tuy nhiên nortriptyline và desipramine có thể được dung nạp tốt hơn với liều thấp đề điều trị đau cổ và đau thắt lưng. Các thuốc điều trị trầm cảm thế hệ mới (duloxetine) có thể an toàn hơn và hiệu quả hơn trong việc điều trị đau liên quan cột sống.
Tramadol có thể được dung nạp ở người trưởng thành nhưng có nguy cơ an thần, gây khó tiêu và táo bón. Tramadol có thể được kê đơn với liều thấp nếu các lựa chọn khác thất bại. Tramadol cũng có thể phối hợp với acetaminophen. Opioid khác không nên được lựa chọn vì các tác động bất lợi và nguy cơ tử vong, tuy nhiên opipoid liều thấp có thể hữu ích để kiểm soát cơn đau dai dẳng nhưng với điều kiện phải theo dõi bệnh nhân sát sao.
Bàn luận
Nhìn chung, khi kiểm soát đau liên quan đến cột sống ở người trưởng thành nên lựa chọn các thuốc điều trị với liều thấp, đồng thời cân nhắc các thuốc khác bệnh nhân đang sử dụng, nguy cơ suy giảm chức năng gan và thận và các bệnh đồng mắc.
Tài liệu tham khảo
- Fu, J, L., Perloff. Pharmacotherapy for Spine-Related Pain in Older Adults. Drugs Aging. 2022;39:523–550 (2022). DOI: 10.1007/s40266-022-00946-x
- Megan Brooks. Safest, Most Effective Medications for Spine-Related Pain in Older Adults? Medscape. Updated 11 Jul 2022. Accessed date 15 Jul 2022. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/976859