ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH: Thiết chẩn - Đại cương

Thứ năm - 27/03/2014 22:45
Thiết chẩn: Đứng hàng thứ 4 cũng là đứng cuối cùng trong hàng Tứ chẩn, thiết chẩn là căn bản, là chủ chốt, là một việc cần thiết nắm phần quan trọng rất lớn trong việc xét mạch để biết bệnh ở “nội thể”. Thật vậy, mặc dù đối trước bệnh nhân, ta đã thấy người (Vọng), đã nghe nói chuyện (Văn) và đã hỏi những điều cần phải biết (Vấn) để xét bệnh.
.
.
I.ĐẠI CƯƠNG
     1.ĐỊNH NGHĨA:

-Thiết chẩn: Xem xét bệnh bằng cách lấy 3 ngón tay của mình để vào cổ tay bệnh nhân xét mạch để biết bệnh mà trị.
-Thiết chẩn: Đứng hàng thứ 4 cũng là đứng cuối cùng trong hàng Tứ chẩn, thiết chẩn là căn bản, là chủ chốt, là một việc cần thiết nắm phần quan trọng rất lớn trong việc xét mạch để biết bệnh ở “nội thể”. Thật vậy, mặc dù đối trước bệnh nhân, ta đã thấy người (Vọng), đã nghe nói chuyện (Văn) và đã hỏi những điều cần phải biết (Vấn) để xét bệnh. Nhưng đó mới là “ngoại quan” chưa có thể xác định bệnh căn ở nội thể cho đích xác rõ ràng, nên phải căn cứ vào mạch để đối chiếu với nhau mới quyết đoán được bệnh tình nặng nhẹ, tử sinh.
Thiết chẩn
khó hơn 3 phần Vọng , Văn, Vấn rất nhiều. Muốn thấu hiểu Vọng, Văn, Vấn tuy cũng phải có ý thức suy luận tìm hiểu cho tinh tường, nhưng mà lại suy tìm ở hiện tượng hữu hình thì cũng có phần hiểu biết khá dễ dàng.
Thiết chẩn: Đường lối cao rộng, ý nghĩa sâu xa và huyền diệu, đi vào thiết chẩn, khác nào như lần mò và thăm thẳm mịt mù, tìm kiếm trong vô hình mà đoán biết ra được bệnh trạng hữu hình. Thật khó vô cùng.
Vậy cổ nhân không đặt là “quan chẩn hay sát chẩn” (xem mạch hay xét mạch) mà lại đặt 2 chữ Thiết chẩn hẳn là phải có ý nghĩa.
Thiết là gì?- Thiết là mổ xẻ, cắt xén.
Mổ xẻ cắt xén tất nhiên phải dùng đến tay mới mổ xẻ cắt xén được. Đã dùng đến tay mổ xẻ cắt xén thì cũng phải có ý trí suy luận mới mổ xẻ cắt xén được đúng mức độ.
Như vậy, Thiết chẩn đã dùng tay ở ngoài, lại dùng trí ở trong. Tay và Trí phải đi đôi với nhau, mò kiếm, suy luận cho đến tinh xảo mới hoàn thành công việc. Thiết khác với vọng, văn, vấn, chỉ cần không ngoan ở mắt, tai, và miệng mà thôi. Vậy cổ nhân đặt chữ “Thiết” vào việc chẩn mạch đã nói nên chẩn mạch là một việc rất khó.

     2.MẠCH VÀ KHÍ HUYẾT:
- MẠCH LÀ GÌ?
Mạch như là mạch nước, mạch hơi trong khắp sông ngòi, đồng ruộng, núi rừng lưu loát ngày đêm.
Mạch trong con người là mạch Khí-Huyết lưu hành ngày đêm khắp cả thân thể người ta (mạch nhỏ, mạch to) không nơi đâu là không có.
- Người xưa lấy chữ MẠCH  để định nghĩa mạch là cái gì?
Chữ Mạch có một bên chữ Huyết là Khí Huyết, một bên là chữ Chi là chi phái, ý nói Mạch là chi phái của Khí Huyết lưu hành.
Chữ Mạch có một bên chữ Nguyệt là năm tháng, một bên chữ Vĩnh là lâu dài, ý nói có Mạch thì sống lâu nhiều năm tháng.
Như vậy người xưa bảo “Mạch là chi phái của khí huyết lưu hành và có mạch thì sống lâu nhiều năm tháng.”.
Ý nghĩa này thật ra không cần thiết cho chúng ta trong việc học xem Mạch. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết, phòng khi đối thoại tỏ ra ta đã biết.
CHỦ LỰC CỦA MẠCH
-Mạch lấy Khí Huyết, Âm Dương làm chủ lực, làm guồng máy lưu hành vãng lai của mạch (Âm : mát mẻ, êm dịu. Dương : ấm nóng, năng lượng).
-Khí là Dương hăng nóng, nhưng Khí phải có chất thuần hóa êm dịu (Âm) ở trong thì Khí mới không cang nhiệt (khô nóng) tức là trong dương có âm.
-Huyết là Âm dịu mát, nhưng Huyết phải có sức linh hoạt ôn ấm (Dương) ở trong thì Huyết mới không hàn lãnh (mát lạnh), tức là trong âm có dương.
     Như đã nói trên, các đường mạch trong người dù nhỏ dù to, dù ẩn dù hiện, đường mạch nào cũng có đủ “Khí Huyết, Âm Dương” làm chủ lực lưu hành vãng lai.
Nói ngay cái đường mạch ở cổ tay mà chúng ta sắp xem đây.
Đường mạch ấy hay ống mạch ấy có:
- Huyết (máu) là thực chất hữu hình chứa đựng ở trong nhưng trong ống mạch ấy phải có Khí là năng lực vô hình nữa thì mới có lực mà đun đẩy máu đi. Tức là mạch lưu hành. Vậy thực chất trong ống mạch phải có “Khí và Huyết”. Khí ấy mạnh, Huyết ấy tươi, gọi là “vinh khí, vinh huyết”.
- Còn cái Khí là năng lực vô hình hộ vệ ở ngoài ống mạch, là cái khí thông thường của cả toàn thân, gọi là Vệ khí.
- Người xưa dạy “Vinh hành mạch trung, vệ hành mạch ngoại”. Ta đọc quen miệng cứ hiểu rằng “Vinh huyết (máu) đi trong mạch, vệ khí đi ngoài mạch”. Thật không hết nghĩa.
- Ta nên hiểu chữ Vinh đó là có cả “Vinh khí và Vinh huyết” đi trong mạch, còn Vệ khí đi ngoài mạch.
- Nếu ta chỉ hiểu chữ Vinh ấy là Vinh huyết đi trong mạch. Vậy trong ống mạch ấy chỉ có Huyết, không có Khí sao?
Huyết không có khí hòa chung, Huyết không tươi hồng, Huyết sẽ thâm đen. Huyết không có khí lưu hành, huyết chảy rì rì, huyết sẽ ngưng động. Như vậy sao gọi là Vinh huyết?
Huyết không có khí, còn có lực đâu mà bảo là “mạch đi có lúc nổi chìm, có lúc chậm mau”. Nếu vậy xem mạch vô ích.
Lại nữa, nếu ta phải nhất định “Huyết đi trong ống mạch, Khí đi ngoài bì phu hộ vệ ống mạch”. Thì đó là những đường mạch ngoài thân thể mới có Khí ngoài thân thể hộ vệ, vậy những đường mạch đi ngầm trong các tạng phủ và cơ thể, hỏi rằng Khí ở ngoài bì phu có hộ vệ gì những đường mạch đi ngầm ấy không? Hẳn là không.
Thật vậy, Vinh khí và Vinh huyết đi chung trong ống mạch. Còn vệ khí đi ngoài ống mạch là vệ khí đi chung của cả toàn thân.
Chủ lực của mạch là “Khí huyết”. Mạch và khí huyết liên hệ chặt chẽ với nhau, vận hành liên tục trong thân người, không giây phút nào có thể ngưng được, nếu ngưng là chết.

QUAN HỆ GIỮA MẠCH VÀ KHÍ HUYẾT:
-Mạch phải có khí huyết thì mạch mới có nguồn sinh lực. Nếu mạch không có khí huyết thì mạch rỗng không vô dụng.
-Khí huyết phải có mạch thì Khí huyết mới có đường hướng vận hành lưu loát. Nếu khí huyết không có đường mạch thì khí huyết vận hành hỗn tạp tán loạn.
-Mạch là chủ của khí huyết, mà khí huyết là hơi sức và Tinh thần của mạch.
-Mạch là bản thể của khí huyết, mà khí huyết là công dụng của mạch.
(Mạch là con đường để Khí Huyết lưu hành thì đường mạch là bản thể. Khi Khí Huyết đã vào đường mạch lưu hành thì Khí Huyết là công dụng của đường mạch. Ví như cái vỏ chai để đựng rượu thì vỏ chai là bản thể. Khi rượu đã đổ vào trong chai thì rượu là công dụng của chai).
-Bởi những lẽ đó mà nói rằng : “Khí huyết thịnh thì mạch thịnh, nếu khí huyết suy thì mạch suy, khí huyết hòa thì mạch bình, nếu khí huyết loạn thì mạch bệnh”. Ta xem thấy mạch thịnh thì ta biết khí huyết của người ấy mạnh.
-Ta xem thấy mạch suy thì ta biết khí huyết người ấy đã yếu.
-Ta xem thấy mạch bình, ta biết khí huyết người ấy bình thường.
-Ta xem thấy mạch bệnh ta biết khí huyết người ấy rối loạn.
-Mạch vận hành khí huyết mà khí huyết cũng vận hành mạch vậy.
(Đọc các câu này ta lại suy luận về hai chữ Thể và Dụng nói trên. Ta thấy khí huyết thịnh thì mạch thịnh, cũng như chai đầy nước thì chai nặng. Khí huyết suy thì mạch suy, cũng như chai vơi nước thì chai nhẹ v.v…)
Như vậy thấy rằng, Mạch và Khí Huyết quan hệ với nhau rất là sâu rộng và mật thiết.

     3.NGUỒN GỐC VẬN HÀNH CỦA MẠCH
- Mạch sinh ra bởi Âm Dương, nhưng sở dĩ vận hành được là nhờ Động khí ở Thận trước.
- Động khí là thế nào?-Động khí là cái khí của nó tự động nên cũng gọi động mạch (cái khí tự động trong mạch). Khí ở Thận chuyển động trước rồi từ đấy theo mạch chuyển động vận hành các kinh, khác nào như dây tóc của đồng hồ, dây tóc có chuyển vận thì các bánh xe nhỏ mới chạy.
- Mạch vận hành mãi mãi là nhờ Thực phẩm nuôi dưỡng. Người ta ăn uống cơm nước vào, Tỳ Vị đem tiêu hóa, lọc lấy thanh khí nuôi dưỡng 12 kinh, lọc lấy “chất nhựa” nuôi dưỡng tạng phủ cơ thể. Kinh tạng nào cũng nhờ thanh khí và “chất nhựa” ấy (Tức Khí-Huyết) mà mạch vận hành mãi được. Khác nào như ta cho dầu vào các bánh xe của đồng hồ để cho nó chạy điều hòa.
- Thân thể người ta lấy “vị khí” làm gốc.
- Vị là nguồn sống của ngũ tạng và lục phủ, cho nên nói rằng “người ta khi có bệnh xem mạch thấy hãy còn Vị khí thì sống, nếu hết Vị khí sẽ chết” nghĩa là xem mạch “trung án” đi mạnh, có lực là mạch Vị khí còn, ngược lại Vị khí hết.
     Tóm lại mạch vận hành bắt đầu nhờ động khí ở Thận, vận hành mãi mãi được nhờ cốc khí ở Vị (tỳ vị).
- Thận thuộc thủy, Tỳ thuộc thổ. Bởi vậy nói : “Thận là tiên thiên, Tỳ là hậu thiên”.
- Bệnh tật trong người, Nội thương Thất tình hay Ngoại cảm Lục dâm hay bệnh thuộc kinh lạc tạng phủ v.v…. đều theo sự lưu hành của Khí và Huyết báo hiệu ra đường mạch, muốn biết phải xem mạch.
Người thầy thuốc xem mạch biết được kinh lạc tạng phủ nào hư, kinh lạc tạng phủ nào thực rồi mới thành lập phương dược cho có quân thần tá sứ, mới quyết định được Huyệt đạo châm cứu và có phương hướng Bổ tả nông sâu. Vậy việc xem mạch là công việc cần thiết của người thầy thuốc.
- Mạch nải y chi thủ vụ: Xem mạch là công việc đầu tiên của người thầy thuốc.

     4.THỜI GIAN CHẨN MẠCH
-Người xưa dạy: Thời gian chẩn mạch nên dùng những buổi sáng sớm (khoảng 5,6 giờ sáng, giờ Dần). Bởi khi ấy khí trời bình minh thanh sảng mà con người sau khi đã nằm nghỉ một đêm vừa mới thức tỉnh : Tâm tư chưa suy nghĩ gì, Tỳ vị chưa ăn uống gì, tay chân chưa hoạt động gì. Khí huyết cơ thể đang yên tĩnh, mạch máu đang lưu thông điều độ. Bấy giờ ta chẩn mạch chắc chắn sẽ thấu hiểu bệnh tình dễ dàng và chính xác. Nếu chẩn mạch sau giờ nói trên hay muộn hơn nữa, con người đã ăn uống, đã hoạt động, tinh thần đã suy tư hỗn tạp, khí huyết đã rung chuyển đường mạch nên không được chính xác bằng.
Thời gian ấy người bệnh phải giữ, nghĩa là cứ phải nằm yên tỉnh trên giường bệnh, để đợi thầy thuốc đến xem mạch. Còn người thầy thuốc cũng phải giữ thời gian ấy, nghĩa là tỉnh thức dậy đi xem mạch ngay.
-Xét ra nguyên tắc xem mạch ấy, nếu tất cả người bệnh đều giữ như thế được, thật rất hay và rất tốt. Nhưng thấy rằng, như vậy thì chỉ những người có thời gian thong thả, có hoàn cảnh thuận tiện mới thực hiện được.
-Ngoài ra những người bệnh phải cấp trị, những người có công tác đặc biệt và những bệnh viện, những dưỡng đường 8 giờ sáng mới mở cửa để thầy thuốc khám bệnh, làm sao có thể giữ được nguyên tắc thời gian ấy.
Nói tóm lại, việc chẩn trị bất luận nơi đâu, bất luận lúc nào, chỉ cần nằm yên tĩnh thì hơn.

     5.THẤT CHẨN PHÁP (7 Nguyên tắc cốt yếu)
Người thầy thuốc khi bắt đầu chẩn mạch cho bệnh nhân cần phải ghi nhớ 7 nguyên tắc cốt yếu lần lượt sau trước cho đúng. Tên chữ 7 nguyên tắc ấy là Thất Chẩn Pháp.
     1.Tĩnh tâm : Im lặng bình tĩnh đem hết thần trí vào để nghe mạch.
     2. Vong ngoại ý: Trong khi chú ý chẩn mạch, bỏ hết những ý nghĩ, những cảnh tượng ở ngoài, không nghe, không nhìn lại, cũng không ngẫm nghĩ riêng tư gì cả.
     3.Quân hô hấp: yên định hơi thở của mình cho điều hòa để đếm nhịp mạch đi lại của bệnh nhân.
     4.Khinh án: Để nhẹ đầu ngón tay trên làn da để xem mạch ở phủ (phù án).
     5.Bất khinh bất trọng án: Hơi ấn nặng đầu ngón tay đến khoảng thịt một chút (nghĩa là không nặng tay quá và cũng không để tay nhẹ quá) để xem mạch Vị khí (trung án).
     6.Trọng án: Ấn thật nặng đầu ngón tay tới gân xương để xem mạch ở tạng (trọng án).
     7.Sát mạch tức: Tính số mạch đi lại của bệnh nhân, mau chậm nhiều ít ra sao mà đoán bệnh.
Người thầy thuốc phải theo nguyên tắc ấy khi chẩn mạch.
Nếu không theo mà chẩn mạch cẩu thả vội vàng sẽ rối loạn tâm tư không có định hướng, sẽ suy tìm bệnh căn không chính xác.
Người xưa dạy thầy thuốc khi bắt đầu chẩn mạch phải theo 7 nguyên pháp ấy. Xét ra rất cần thiết, chúng ta phải thuộc nằm lòng. Nhưng nếu xem thêm bài “Thủ tục và Quy tắc khám một căn bệnh” của kẻ soạn này (ở phần sau) mà hòa đồng có thể tinh kỹ thêm. Thật vậy!

     6.CÁC MẠCH CHÍNH Ở KHẮP CƠ THỂ
Xem mạch ở ngoài thân thể người ta, nơi nào có mạch tự động thì xem.
Thế nào là mạch tự động? Ngoài thân thể bất luận đầu mình tay chân, nơi nào để ngón tay ta ấn vào thấy có đường gân, mạch tự nó máy động luôn luôn dưới ngón tay là mạch tự động.
Các mạch tự động ở khắp thân thể thường được chú ý là :
6.1.Mạch Thái dương: Ở tại huyệt thái dương, hai bên màng tang.
Khi bệnh nhân kêu nóng đầu mặt, đau nhức, huyết áp cao làm choáng váng, ta để 3 ngón tay vào huyệt Thái dương của bệnh nhân thấy đường gân mạch Thái dương của họ nổi lên nhanh và mạnh thì biết là Hỏa nhiệt thượng thăng, Dương chứng.
Nếu cũng bệnh nhân ấy mà xem mạch Thái dương vẫn đánh bình thường thì đó là âm chứng.
6.2.Mạch Toán trúc: Tại huyệt Toán Trúc ở đầu mày, là mạch của Túc thái dương Bàng quang kinh.
6.3.Mạch Thính cung: Tại huyệt Thính Cung ở trước tai, là mạch của Thủ thái dương Tiểu trường kinh.
6.4.Mạch Cự Liêu: Tại huyệt Cự Liêu ở mặt là mạch của Túc dương minh Vị kinh.
6.7.Mạch Nhân Nghinh: Ở huyệt Nhân Nghinh nơi trước cổ, cũng là mạch của Túc dương minh Vị kinh.
6.8.Mạch Xung Dương: Ở tại huyệt Xung dương trên lưng bàn chân cũng là mạch của Túc dương minh Vị kinh.
6.9.Mạch Thái Khê: Ở tại huyệt Thái Khê phía sau mắt cá trong, là mạch của Túc thiếu âm Thận kinh.
6.10.Mạch Thái Xung: Ở huyệt Thái Xung trên lưng bàn chân, là mạch của Túc quyết âm Can kinh.
Ba mạch Xung dương, Thái Xung, Thái khê được dùng khi nào bệnh nhân gặp nguy nan mà mạch Thốn khẩu đã mất rồi.
Ba mạch ấy còn thì còn có hy vọng, nhất là mạch Thái khê của Thận. Thận còn thì hy vọng còn sống, vì con người lấy Thận làm gốc.
6.11.Mạch Hợp Cốc: Tại huyệt Hợp Cốc ở lưng bàn tay, là mạch của Thủ dương minh Đại trường kinh.
6.12.Mạch Thần Môn: Tại huyệt Thần môn ở cổ tay, là mạch của Thủ thiếu âm Tâm kinh.
6.13.Mạch Cơ Môn: Tại huyệt Cơ Môn ở đùi là mạch của Túc thái âm Tỳ kinh.
6.14.Mạch Khí Khẩu: Ở ngay huyệt Dương Khê bên phải nơi có chổ trũng phía trên ngón cái. Xem mạch Khí khẩu để biết bệnh thuộc Thất tình (Hỉ, tư ưu, nộ, khủng, kinh, bi) và xét những bệnh thuộc phòng dục, lao dịch hay ẩm thực tích tụ. Nghĩa là những loại bệnh thuộc Nội thương bất túc.
6.15.Mạch Nhân Nghinh: Ở ngay huyệt Dương khê phía bên tay trái. Xem mạch Nhân nghinh để biết bệnh thuộc cảm mạo, lục dâm (phong, hàn, thủ, thấp, táo, hỏa) và ăn uống thất thường. Nghĩa là những loại bệnh thuộc Ngoại cảm hữu dư (*)
6.16.Mạch Thốn khẩu: Đó là bộ mạch ở hai cổ tay, mà các thầy thuốc YHCT thường chẩn bệnh tạng phủ. Đây là bộ mạch quan trọng nên chúng tôi đề cập một mục riêng.
                     
(*)(Về mạch KHÍ KHẨU và NHÂN NGHINH):
-Theo Linh Khu: Mạch Khí Khẩu ở bộ Thốn tay phải. Mạch Nhân Nghinh ở bộ Thốn tay trái. Cũng có mạch Nhân Nghinh ở huyệt Nhân Nghinh nơi cổ của Vị kinh.
-Theo Y Học Nhập Môn: Mạch Khí Khẩu ở trước bộ Quan tay phải 1 phân, mạch Nhân Nghinh ở trước bộ Quan tai trái 1 phân.
-Theo Phùng Thị Cẩm Nang: Mạch Khí Khẩu ở ngay phía trước ngôi vị của Tỳ Vị, tức là trước bộ Quan tay phải 1 phân. Mạch Nhân Nghinh ở ngay phía trước ngôi vị của Can Đởm, tức trước bộ Quan tay trái 1 phân.
-Theo Trương Cảnh Nhạc: Khí Khẩu là mạch của kinh Thủ Thái âm Phế, ở tại bộ thốn cả 2 tay. Nhân Nghinh là mạch của Túc dương minh Vị có huyệt Nhân Nghinh ở 2 bên yết hầu.
-Theo thiển ý của soạn giả: Mạch ở bộ Thốn phải là mạch Phế Đại tràng, mạch ở bộ Thốn trái là mạch của Tâm Tiểu tràng, thì còn đâu là mạch Khí Khẩu, Nhân Nghinh? Phải chăng Khí Khẩu và Nhân Nghinh là 2 mạch lệch ra ngoài Thái Uyên một chút, Ở chỗ trũng dưới đầu xương tay quay, nơi có hưyệt Dương Khê (của Đại Trường kinh). Mạch bên tay phải là Khí Khẩu, mạch bên tay trái là Nhân Nghinh. Còn mạch Thốn khẩu chính là 2 bộ mạch ở cổ tay vậy.)


 


Tác giả bài viết: Lê Đức Thiếp

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây