Báo Kiến thức gia đình phối hợp cùng Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Tổ chức Động vật Châu Á giới thiệu tới bạn đọc các cây thuốc, vị thuốc thay thế mật gấu, từ đó góp phần chung tay chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y tại Việt Nam.CÂU ĐẰNG Câu đằng, Vuốt lá mỏ, Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks; họ Cà phê – Rubiaceae.
Mô tả: Cây leo có mấu, dài 6 – 10m. Lá có phiến xoan thon, to vào cỡ 6 x 0,5cm, mặt trên bóng, mặt dưới mốc, gân phụ 4-6 cặp, lồi 2 mặt, cuống 5 – 6mm. Hoa tập hợp thành dạng đầu ở ngọn nhánh, to 8 -10mm; lá đài 5; cánh hoa 5, màu vàng hay màu trắng.
Bộ phận dùng: Đoạn cành với hai gai móc câu – Ramulus Uncariaecum Uncis; thường gọi là Câu đằng.
Nơi sống và thu hái: cây mọc hoang ở rừng, dọc đường đi vùng núi cao ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Thu hái vào tháng 7 - 9, cắt cả dây về, chọn các mấu có móc câu, đốt có 1 hoặc 2 móc câu, loại 2 móc câu tốt hơn. Chặt thành từng đoạn dài khoảng 2 cm, phía trên chặt sát móc câu, phơi nắng hoặc sấy thật khô.
Thành phần hóa học: Thân và rễ có chứa alcaloid, trong đó có hoạt chất chính Rhynchophyllin và Isorhynchophyllin.
Tính vị qui kinh: Vị ngọt, tính hàn. Vào các kinh: Can, Tâm bào.
Tác dụng: Thanh nhiệt, bình can, trấn kinh, phát chẩn, thấu biểu.
Công dụng: Chữa trẻ em kinh giật, chân tay co quắp, chữa huyễn vựng ( tăng huyết áp), nhức đầu, hoa mắt, trẻ em sốt cao co giật, kinh giản, làm cho ban sởi phát ra.
Liều lượng và cách dùng: Ngày dùng 1 2 - 15g, dạng thuốc sắc.