CÁC HUYỆT NGOÀI KINH: CHI DƯỚI

Thứ ba - 12/08/2014 07:47

HUYỆT NGOÀI KINH CHI DƯỚI

HUYỆT NGOÀI KINH CHI DƯỚI
Huyệt ngoài kinh là những huyệt không thuộc vào 12 kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc. Huyệt ngoài kinh thường có vị trí ở ngoài các đường kinh; nhưng cũng có một số huyệt nằm trên đường đi của các kinh mạch chính, song không phải là huyệt của kinh mạch đó. * Mỗi huyệt ngoài đường kinh thường có một số tác dụng đặc biệt riêng của nó. * Khi châm cứu các huyệt ngoài kinh, tùy vị trí từng huyệt mà chọn tư thế người bệnh cho thích hợp, để huyệt lộ ra dễ dàng cho việc châm cứu.




BÁCH TRÙNG OA (SÀO)

Vị trí: - Ở trên phía trong gối 3 tấc (Đại thành).

- Lấy ở chỗ lõm trên góc trong bờ trên xương bánh chè 3 tấc, trên huyệt Huyết hải 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ may và cơ rộng trong, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng: Chữa mụn nhọt ở hạ bộ, mẫn ngứa.

Cách châm cứu: Châm 0,5- 1,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

 

KHOAN CỐT

Vị trí: - Ở chỗ lõm ở ngoài huyệt Lương khâu 1 tấc (Đại thành).

- Lấy ở trên bờ trên xương bánh chè 2 tấc, huyệt ở chỗ lõm giữa cân đùi của cơ căng cân đùi và cơ rộng ngoài.

Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh đùi.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng: Chữa đau sưng gối.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

 

HẠC ĐNH

Vị trí: - Lấy ở chỗ lõm chính giữa bờ trên xương bánh chè.

Giải phẫu: Dưới da là gân thẳng trước của cơ tứ đầu đùi, gân cơ rộng ngoài, gân cơ rộng trong, gân cơ rộng giữa, mặt trước đầu dưới xương đùi.

Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh đùi.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng: Chữa đau khớp gối, yếu liệt chân.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

 

NỘI TẤT NHÃN

Vị trí: - Lấy ở chỗ lõm dưới xương bánh chè và trong gân bánh chè của cơ tứ đầu đùi, ngang khớp gối.

Giải phẫu: Dưới da là lõm giữa gân bánh chè của cơ tứ đầu đùi, gân cơ may, xương bánh chè, khe khớp xương đùi và xương chày.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng: Sưng đau mặt trong đầu gối, khó đứng lên ngồi xuống.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

 

NGOẠI KHỎA TIÊM ( Mắt cá ngoài)

Vị trí: - Ở đầu xương mắt cá ngoài chân (Đại thành).

- Lấy ở ngang mỏm đầu dưới xương mác (mắt cá ngoài)

Giải phẫu: Dưới da là đầu dưới xương mác và xương gót chân.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng: Chữa bong gân, chuột rút phía ngoài bàn chân, chứng cước khí, nóng rét.

Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích máu ra, hoặc châm 0,1-0,2 tấc.

Cứu 5-10 phút.

 

NỘI KHỎA TIÊM (Mắt cá trong)

Vị trí: - Ở đầu xương mắt cá trong chân (Đại thành).

- Lấy ở ngay mỏm đầu dưới xương chày (mắt cá trong chân).

Giải phẫu: Dưới da là đầu dưới xương chày và xương gót chân.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4 hay L5.

Tác dụng: Chữa đau gân, chuột rút phía trong bàn chân, đau răng hàm dưới.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc, cứu 5-10 phút.

 

BÁT PHONG

Vị trí: - Ở kẽ 5 đầu ngón chân giáp nhau (Đại thành).

- Ép các ngón chân sát nhau, lấy huyệt ở đầu 4 kẽ giữa các ngón chân, cơ tương ứng chỗ tiếp giáp của da mu chân và da gan chân.

Gii phẫu: Dưới da là khe giữa các gân ruỗi ngón chân, cơ gian cốt mu chân. Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh chày trước và dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5 và S1.

Tác dụng: Chữa mu bàn chân sưng đỏ, đau, nề, tê, thấp chẩn.

Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc, nếu chân sưng nề khi rút kim châm có thể nặn cho ra một chút máu. Cứu 5-10 phút.
 


 

ĐỘC ÂM

 Vị trí:  - Ở giữa nếp ngang phía dưới đốt ngón chân thứ hai (Đại thành).

- Lấy ở giữa nếp gấp đốt thứ nhất và đốt thứ hai ngón chân thứ hai, ở phía gan bàn chân.

Giải phẫu: Dưới da là gân gấp ngón hai của cơ gấp dài các ngón chân, khớp xương đốt 1 và đốt 2 của ngón chân thứ hai. Thần kinh vận động cơ do nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng: Chữa phụ nữ nôn khan, kinh nguyệt không đều, đẻ khó, rau thai không ra, thai chết lưu.

Cách châm cứu: Cứu 5-10 phút.

 

TỨ QUAN

Vị trí: - Là hai huyệt Hợp cốc và hai huyệt Thái xung (Đại thành).

- Lấy huyệt như lấy huyệt Hợp cốc và Thái xung.

Giải phẫu: Như huyệt Hợp cốc và Thái xung.

Tác dụng: Chữa phong hàn, thấp tý, đau đầu, hoa mắt, mất ngủ.

Cách châm cứu: Như huyệt Hợp cốc và Thái xung.

Chú ý: Như huyệt Hợp cốc.

 

HUYỆT A THỊ

Vị trí: Điểm đau khi có bệnh. Lấy huyệt: ở chỗ ấn vào đau nhất.

Tác dụng: Chữa các chứng đau.

Cách châm cứu: Tùy vị trí mà châm nông hay sâu và cứu lâu hay mau.

Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây