HỢP CỐC
( Huyệt Nguyên)
Vị trí: - Ở chỗ lõm giữa xương ngón tay cái và ngón trỏ ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia, để vào hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu, chỗ đó là huyệt, châm ở điểm án có cảm giác ê tức nhất ( có khi thấy cảm giác ê tức thấu sang phía ngón út).
- Xòe ngón tay cái và ngón trỏ như trên, giữa tĩnh mạch ngoài ở mu tay và xương bàn tay 2 có 1 chỗ lõm xuống lấy huyệt ở trong chỗ lõm, ngang với chỗ tiếp nối của thân với đầu trên xương bàn tay 2.
Giải phẫu: Dưới da là cơ gian cốt mu tay, bờ trên cơ khép ngón tay cái, bờ trong gân cơ ruỗi dài ngón tay cái. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6-C7.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau tê bàn tay, ngón tay.
- Theo kinh: Đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng mặt, liệt mặt, chảy máu mũi, ù tai, đau mắt.
- Toàn thân: Trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, đau đầu, bế kinh, nhiều mồ hôi, làm co tử cung.
Cách châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3-0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.
Chú ý:
- Kết hợp với Nội quan, để châm tê chung toàn thân.
- Không châm cho phụ nữ có thai, vì có thể làm sẩy thai, rất dễ châm vào mạch máu gây tụ máu dưới da, cần lưu ý để tránh mạch máu khi châm, lúc rút kim phải kiểm tra.
Nguồn tin: Tổng hợp từ Châm cứu học T.1 (Viện ĐY), TĐ huyêt vị châm cứu (Lê Quý Ngưu) - Ảnh minh hoạ từ Internet