GIẢO CỔ LAM

Chủ nhật - 17/08/2014 15:50

.

.
Cây Giảo Cổ Lam hay còn gọi là: Thất diệp đảm, Ngũ diệp sâm. Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino Họ bầu bí: Curcubitaceae. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VII. Thanh nhiệt giải độc.


 Cây Giảo Cổ Lam hay còn gọi là: Thất diệp đảm, Ngũ diệp sâm. Cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây đực và cây cái riêng biệt. Lá kép hình chân vịt. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô hình cầu, đường kính 5 – 9 mm, khi chín màu đen.

cay giao co lam 300x225 Giảo cổ lam

Phân bố: Sống ở độ cao 200 – 2000m ở các vùng Bắc Việt Nam, Nam Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản.

Bộ phận dùng: Thân lá rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hóa học chính: Flavonoid, Saponin.
Công dụng:

  • Chống lão hóa, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
  • Chống huyết khối, hạ mỡ máu, tăng cường lưu thông máu.
  • Hạ đường huyết, tác dụng trên bệnh tiểu đường typ 2.
  • Chống viêm gan. Tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa hình thành và phát triển khối u.

Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 4-10g dạng thuốc sắc hoặc hãm với nước uống thay chè.

Phân biệt giảo cổ lam thật giả

Giảo cổ lam trong các nghiên cứu khoa học có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum có 5 lá chét (chữ la tinh pentaphyllacó nghĩa là 5 lá), khác với các loài cùng chi như G. pubescens có 7 lá chét hay cây G. laxum có 3 lá chét (xem ảnh bên dưới). Cây Giảo cổ lam là cây leo bằng tua cuốn mọc ở nách lá, đây là đặc điểm của họ bầu bí (Curcubitaceae) phân biệt với các cây họ Nho (Vitaceae) leo bằng tua cuốn mọc đối diện với lá. Đặc biệt, cây Giảo cổ lam khi thử nhấm một chút thân hoặc lá ở đầu lưỡi sẽ có vị đắng sau chuyển sang vị ngọt, mát do có thành phần chính là saponin tương tự như trong Nhân sâm. Giảo cổ lam khi phơi khô hoặc sao lên thì rất thơm và có mùi đặc trưng. Cũng cần lưu ý cây này chưa thấy mọc dưới đồng bằng, chỉ mọc trên núi đá vôi. Tuy nhiên hiện nay có thể trồng được ở nhà nhưng phải trong chỗ râm mát. Để phân biệt được Giảo cổ lam thật giả, nhất thiết phải dùng cây tươi. Trường hợp một số độc giả gửi mẫu cây khô hoặc đã qua chế biến tới Học viện thì chúng tôi không thể nào phân biệt được.

pb gcl Giảo cổ lam

Theo http://tuelinh.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO VỀ CÂY GIẢO CỔ LAM:
 

GIẢO CỔ LAM- MỘT CÂY THUỐC QUÝ CỦA VIỆT NAM ĐANG ĐƯỢC NGHIÊN CỨU TRỒNG TRỌT

 
Từ lâu cộng đồng người Tày tại Cao Bằng ở nước ta đã biết sử dụng cây Dền toòng hoặc Dần toòng (Tiếng Tày Cao Bằng) hay Giảo cổ lam phiên âm từ Jiaogulan  (tiếng Trung Quốc) để làm chè thuốc uống bồi bổ sức khoẻ. Chúng tôi đã đến khảo sát tại vùng núi cao ở Cao Bằng thì thấy cây Giảo cổ lam thường mọc và đeo bám vào các sườn đá ở những nơi có độ ẩm cao, sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng. Đồng bào ở đây thường thu hái cả cây vào tháng 9, tháng 10 đem về phơi hoặc sao khô làm chè uống. Khi chúng tôi phỏng vấn thì được biết cây Dần toòng người dân ở đây còn gọi bằng các tên khác như: Cây “Nhân sâm”, cây “B12”, dùng làm thuốc bổ.

Tại vùng núi cao thuộc xã Bản Khoang, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai chúng tôi cũng đã đến khảo sát nhiều nơi để thu thập mẫu và thấy  cây Giảo cổ lam mọc tự nhiên, sinh trưởng và phát triển trên các sườn núi, bò bám dưới tán rừng và ven các sườn đá ở những nơi có độ ẩm cao.

Ở nước ta, theo tài liệu thực vật chí Đông dương của Pháp “Flore generale de L indochine” (M.H. Lecomte) có ghi về chi Gynostemmattis và cho biết cây thuộc chi này mọc nhiều ở vùng núi thuộc miền Bắc Việt Nam. Theo GS. Vũ Văn Chuyên giám định mẫu cây lấy ở Cao Bằng và đã xác định đúng là Gynostemmpedata Bl, họ Bí, tên đồng nghĩa là Gynostemma pentaphyllum ( Thunb.) Makino (đó là cây Dần toòng tiếng Tày hay Giảo cổ lam).

Trên thế giới như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên và một số nước châu Á khác, người ta cũng đã sử dụng làm thuốc từ lâu. Cây thường mọc ở độ cao từ 200m đến  2.000m (so mặt biển), trong các rừng thưa và ẩm. Do hiệu quả của nó, các nhà khoa học trên thế giới đã quan tâm nghiên cứu và thấy Dần Toòng (Giảo cổ lam) là một trong những cây thuốc có khả năng chống ôxy hoá tế bào. Ở Trung Quốc người ta đã dùng chế phẩm bào chế từ cây Dền toòng dưới dạng chè thuốc, thuốc sắc với công dụng tiêu viêm, giải độc, chỉ ho, dưỡng tâm an thần, chống lão hoá và làm thuốc bổ. Dịch chiết trong nước của cây có tác dụng chống lão hoá, kéo dài tuổi thọ, giảm cholesterol.
Ở Việt Nam, sau các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nay đã có nhiều công ty Dược phẩm bào chế ra nhiều sản phẩm dưới dạng thực phẩm chức năng... từ dược liệu Giảo cổ lam, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

Mô tả
Cây Dần Toòng (Giảo cổ lam) có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, thuộc họ bầu bí (curcubitaceae). Cây mọc tự nhiên ở vùng cao. Hình thái thực vật là loài thân thảo, dây nhỏ dài có tua cuốn (vòi như bầu bí), lá có dạng chân gà, thường có 5 - 7 lá nhỏ, quả khô hình cầu, đường kính 5 - 9 mm, khi chín có mầu đen. Cụm hoa hình chuỳ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, các cánh hoa rời nhau xòe hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ. Thời kì ra hoa từ tháng 6 - 8, thời kì ra quả tháng 9 - 10, thu hoạch vào tháng 11 - 12 hàng năm.
Thành phần húa học chính của Dần toòng (Giảo cổ lam) là flavonoit và saponin, theo tài liệu (Fang và cộng sự) đã phân lập được 3 chất xác định là Rutinombuosid và 1 axít hữu cơ là axít malonic. Số saponin của Dần toòng nhiều gấp 3 - 4 lần so với Nhân sâm. Ngoài ra Dần toòng còn chứa các vitamin và các chất khoáng khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh Dần Toòng (Giảo cổ lam) có tác dụng kìm hãm sự tích tụ tiểu cầu, làm tan các cục máu đông, chống huyết khối, tăng cu­ờng lưu thông máu lên não. Có tác dụng chống viêm gan, chứng cao huyết áp. Có tác dụng chống viêm, kìm hãm sự phát triển của khối u.
Theo tác giả Nguyễn Tiến Dẫn đã nghiên cứu và định lượng flavonoit và saponin toàn phần của cây Dần Toòng (Giảo cổ lam) trong luận văn dược học của mình, kết quả nghiên cứu đã khẳng định khả năng hạ cholesterol máu của dịch chiết dược liệu có tác dụng ức chế sự tăng cholesterol máu ở chuột ăn cholesterol hàng ngày 71% so với nhóm đối chứng.
Cây Dần Toòng (Giảo cổ lam) là một trong những loài cây thuốc quý, được phát hiện mọc tự nhiên, hoang dại trên núi cao của các tỉnh phía Bắc. Là cây thuốc mọc tự nhiên mà ai cũng có thể tự do khai thác bừa bãi, vì mục đích lợi nhuận người ta sẵn sàng khai thác đến cạn kiệt, nếu không có biện pháp chủ động bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý hiếm thì chắc chắn một ngày không xa sẽ dẫn tới nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng như một số loài cây thuốc quý hiếm khác. Tuy nhiên việc nghiên cứu trồng trọt để bảo tồn, duy trì và phát triển loài cây thuốc quý này chưa có tác giả nào đề cập tới.
Viện Dược liệu - Bộ Y tế với tư cách là một Viện nghiên cứu đầu ngành về cây thuốc và Dược liệu, nhiều năm qua đã chú ý và quan tâm nhiều đến vấn đề bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm này, đã triển khai nghiên cứu cây Dần toòng (Giảo cổ lam) trong các lĩnh vực như: chọn tạo giống tốt, nhân giống, nghiên cứu tình hình sinh trưởng và phát triển, trồng trọt, sâu bệnh hại, đánh giá và xác định năng suất và chất lượng dược liệu của cây Giảo cổ lam... Mục tiêu của đề tài nhằm chủ động tạo nguồn dược liệu Giảo cổ lam làm thuốc, tạo ra vùng trồng thích hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng bào chế thuốc mới, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đề tài nghiên cứu bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Đề tài vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, mong muốn cuối cùng của chúng tôi là làm sao phải bảo tồn và phát triển được nguồn tài nguyên cây thuốc quý hiếm của đất nước, phục vụ tốt sức khoẻ của nhân dân.

Ngô Quốc Luật (CTQ số 105)

 

Nguồn tin: Tổng hợp từ internet

 Từ khóa: gọi là, khoa học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây