Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


TANG BẠCH BÌ

.

.

TANG BẠCH BÌ (Cortex Mori Albae Radicis) Tang bạch bì dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Dâu tằm, tên thực vật học là Morus alba L thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây Dâu tằm được trồng khắp nước ta để nuôi tằm và làm thuốc.Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XII - Chỉ khái bình suyễn.

Chế biến: Đào lấy rễ dâu cạo bỏ rễ thô nâu bên ngoài bóc lấy vỏ trắng rửa sạch phơi hay sấy khô làm thuốc. Tang bạch bì tẩm mật sao là Tang bạch bì xé nhỏ tẩm mật sao lửa nhỏ (văn hỏa) cho đến khi khô không dính tay là được, có tác dụng nhuận phế.

Tính vị qui kinh:

Tang bạch bì vị ngọt tính hàn, qui kinh Phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt hàn.
  • Sách Danh y biệt lục: không độc.
  • Sách Y học khôi nguyên, quyển hạ: khí hàn, vị đắng chua.
  • Sách Thang dược bản thảo: nhập thủ thái âm kinh.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập tỳ phế.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập 2 kinh Phế Đại tràng.

Thành phần chủ yếu:

Morusin, mulberrin, mulberrochromene, cyclomulberin, cyclomulberrochromene.

Theo sách Đỗ tất Lợi trong rễ dâu có: acid hữu cơ, tanin, pectin và beta-amyrin, rất ít tinh dầu.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tang bạch bì có tác dụng: tả phế bình suyễn, lợi tiểu tiêu phù. Trị chứng ho suyễn do phế nhiệt, mắt mặt sưng phù, thủy thũng thực chứng.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " trừ thủy khí ở phế, trị ho ra máu, nhiệt khát, thủy thũng bụng đầy, lợi thủy đạo".
  • Sách Dược tính bản thảo: " trị phế khí suyễn đầy, hư lao nhiệt".
  • Sách Bản thảo cương mục: " tả phế, lợi đại tiểu trường, giáng khí tán huyết".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc có tác dụng giảm ho nhẹ, lợi niệu và gây tiêu chảy.
  2. Thuốc sắc và chiết xuất của thuốc trong nhiều loại dung môi khác nhau đều có tác dụng hạ áp.
  3. Thuốc có tác dụng an thần, giảm đau, hạ nhiệt và chống co giật nhẹ.
  4. Thuốc sắc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lî Flexner và nấm tóc. Thuốc chiết xuất nước nóng có tác dụng ức chế (in vitro) chủng JTC-28 tế bào ung thư tử cung khoảng 70%.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị ung thư thực quản và bao tử: dùng Tang bạch bì tươi không bỏ vỏ ngoài 30g gia giấm ăn 100g, nấu 1 giờ uống hết 1 hoặc nhiều lần, nếu chua cho đường. Trị 3 ca ung thư thực quản, 2 ca bao tử, có 4 ca bệnh thuyên giảm (Báo Trung y dược Phúc kiến 1965,3:23).

2.Trị ho do nhiệt đàm:

  • Tả bạch tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết): Tang bạch bì 12g, Đại cốt bì 12g, Cam thảo 4g sắc uống.

3.Trị viêm phế quản mạn tính: Tang bạch bì, Tỳ bà diệp đều 10g, sắc uống.

4.Trị viêm cầu thận cấp phù nhẹ: Ngũ bì ẩm gồm: Tang bì, Trần bì, Sinh khương bì, Đại phúc bì đều 6 - 10g, Phục linh bì 12g sắc uống.

Liều thường dùng và chú ý:

  • Liều: 10 - 15g.
  • Chích Tang bì nhuận phế.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây