Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


SƠN THÙ

.

.

SƠN THÙ ( Fructus Corni Officinalis) Sơn thù còn gọi là Sơn thù du, Thù nhục, Táo bì dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh là quả bỏ hột của cây Sơn thù du ( Cornus officinalis Sieb et Zucc.) Nước ta hiện đang còn phải nhập Sơn thù của Trung Quốc. Cây này mọc hoang hoặc được trồng nhiều tại các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy, Triết Giang, Tứ Xuyên. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXIII - Thu liễm cố sáp.


Quả Sơn thù được hái về bỏ hạt phơi khô làm thuốc. Lúc bào chế, lấy 100kg Sơn thù cho vào 20 kg rượu trộn đều chưng khô đem phơi khô. Sơn thù du hình dáng như quả táo nên gọi là Táo bì.

Tính vị qui kinh:

Sơn thù vị chua, tính hơi ôn, qui kinh Can thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị chua, bình.
  • Sách Danh y biệt lục: hơi ôn không độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị mặn cay đại nhiệt.
  • Sách Thanh dịch bản thảo: nhập túc quyết âm, thiếu âm kinh.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập 3 kinh Tâm Can Thận.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập thủ thái âm phế kinh, túc quyết âm can kinh.

Thành phần chủ yếu:

Saponin ( 13%), verbenalin, ursolic acid, tanin, vitamin A.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Sơn thù du có tác dụng bổ ích can thận thu liễm cố sáp. Chủ trị các chứng: Can thận hư tổn, huyễn vựng, dương nuy, hoạt tinh di tinh, hư hãn ( mồ hôi trộm), băng lậu.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " Trị nhĩ lung ( điếc tai), diệu sang ( lở ở mặt), ra mồ hôi, thuốc có tác dụng ôn trung, hạ khí cường âm ( làm mạnh sinh lý sinh dục), ích tinh, làm khỏe ngũ tạng ( yên ngũ tạng), thông cửu khiếu, làm bớt chứng tiểu nhiều, minh mục, cường lực ( làm sáng mắt, tăng sức).
  • Sách Lôi công bào chế luận: " tráng nguyên khí, bí tinh".
  • Sách Dược tính bản thảo: " chỉ nguyệt thủy bất định ( trị rối loạn kinh nguyệt), bổ thận khí, hưng dương đạo ( trị liệt dương) thêm tinh tủy, liệu nhĩ minh ( trị tai ù). trị người già tiểu nhiều".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Nước sắc Sơn thù in vitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ thương hàn. Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng giết chết tế bào ung thư ở nước bụng.
  2. Trên súc vật thí nghiệm, thuốc có tác dụng lợi tiểu, hạ áp.
  3. Thuốc có tác dụng hạ đường huyết nhẹ.

Ứng dụng lâm sàng:

Sơn thù nhục thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trị các chứng do cơ thể hư nhược như:

1.Trị chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể do thận hư, biểu hiện liệt dương, di tinh, váng đầu, ù tai, điếc tai, tiểu nhiều lần.

  • Thảo hoàn đơn: Sơn thù, Bổ cốt chỉ, Đương qui đều 10g, Xạ hương 0,1g, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, uống với nước muối nhạt.
  • Sơn thù, Thạch xương bồ, Địa hoàng, Cam cúc hoa, Hoàng bá, Ngũ vị tử lượng bằng nhau 6g, sắc uống hàng ngày hay ngâm rượu uống, uống 15 ngày, nghỉ 10 ngày rồi uống tiếp 3 - 5 lần.

2.Trị chứng ra mồ hôi trẻ em hoặc cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh:

  • Lai phục thang: Sơn thù, Đảng sâm đều 30g, Sinh Long cốt, Sinh mẫu lệ, Sinh Bạch thược đều 12g, Cam thảo 3g, sắc uống. Trị ra mồ hôi nhiều.
  • Sinh Mẫu lệ 10 - 15g ( sắc trước), Phù tiểu mạch 6 - 15g, Sơn thù nhục 6 - 10g sắc uống. Trị chứng ra mồ hôi ở trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng.

3.Trị phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều do cơ thể yếu hoặc do tiểu cầu giảm dùng bài:

  • Sơn thù du 30g, Nhân sâm 4 - 8g sắc uống ( nếu huyết nhiệt không dùng).
  • Sơn thù nhục, Thục địa đều 15g, Đương qui, Bạch thược đều 12g, sắc uống.

4.Trị chứng tăng cholesterol máu: dùng bài:

  • Lục vị địa hoàng ( Tiểu nhi dược chứng trực huyết): Thục địa 20g, Hoài sơn, Sơn thù đều 10g, Trạch tả, Phục linh, Đơn bì đều 8g, sắc uống.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: uống 6 - 12g, lúc cần có thể dùng 30g cho vào thuốc thang sắc uống.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây