Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


LA BẠC TỬ

.

.

LA BẠC TỬ (Semen Raphani Sativi) Hạt củ cải có tên thuốc là La bạc tử hay Lai phục tử, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Nhật hoa tử bản thảo, là hạt của cây Cải củ tên thực vật là Raphanus sativus L. thuộc họ Cải (Brassicaceae) phơi hay sấy khô. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XII - Chỉ khái bình suyễn.

Khắp đất nước ta đều trồng được cải củ lấy củ và lá làm thức ăn, hạt già phơi hay sấy khô làm thuốc (dùng sống hoặc sao lên có mùi thơm).

Tính vị qui kinh:

Hạt củ cải vị cay ngọt, tính bình, qui kinh Tỳ Vị Phế.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Trấn nam bản thảo: tính ôn, vị cay, nhập 2 kinh Tỳ Phế.
  • Sách Ngọc thư dược giải: cay, nhiệt.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập 2 kinh Tỳ Vị.

Thành phần chủ yếu:

Erucid acid, oleic acid, linolenic acid, linoleic acid, glycerol sinapate, raphanin, alkaloid, hợp chất phenol.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

La bạc tử có tác dụng: tiêu thực trừ trướng đầy, giáng khí hóa đàm. Chủ trị các chứng: thực tích, khí trệ ở trung tiêu, đàm suyễn khái thấu (ho suyễn có đờm).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " thổ phong đàm, tiêu thũng độc".
  • Sách Nhật dụng bản thảo: " trị hoàng đản và da mắt vàng, nước tiểu nóng đỏ".
  • Sách Bản thảo cương mục: " hạ khí đình suyễn, trừ đàm tiêu thực, trừ trướng đầy, lợi đại tiểu tiện, chỉ khí thống, hạ lợi hậu trọng (trị chứng lî mót rặn), phát sang chẩn (trị chứng lỡ phát ban)".
  • Sách Y lâm soạn yếu thám nguyên: "sanh dung, thổ phong đàm, khoan hung cách, thác sang chẩn. Thục dung hạ khí tiêu đàm, công kiện tích, liệu hậu trọng (trị mót rặn)".
  • Sách Y học trung trung tham tây lục: " La bạc tử vô luận sống hay sao đều có thể thuận khí khai uất, tiêu trướng trừ mãn, là loại thuốc hóa khí chứ không phải phá khí. Phàm thuốc lý khí, uống độc vị uống lâu thì tổn thương khí, còn La bạc tử sao chín tán thành bột, mỗi sau bữa ăn uống một ít để tiêu thực thuận khí thì không tổn thương khí vì thuốc giúp ăn nhiều hơn, phần khí được bổ dưỡng".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Thuốc nước chiết xuất có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lî, thương hàn và trực khuẩn đại tràng. Nước ngâm kiệt thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da. Thành phần có tác dụng kháng khuẩn là Bạc tử tố (raphanin, in vitro thuốc trộn lẫn với ngoại độc tố vi khuẩn, thuốc có tác dụng giải độc vi khuẩn rõ rệt, nếu raphanin hòa loãng 1:200 có thể trung hòa 5 liều chí tử của độc tố tetanos (uốn ván), nếu pha loãng 1:500, thuốc có thể trung hòa 4 liều chí tử của độc tố bạch hầu.
  2. Nước chiết xuất của thuốc có tác dụng hạ áp từ từ mà rõ rệt và kéo dài.
  3. Bài thuốc " Cốt chất tăng sinh hoàn" (Thục địa, Kê huyết đằng, Nhục thung dung, Dâm dương hoắc, Cốt toái bổ, La bạc tử) có tác dụng kháng viêm rõ, trong bài thuốc thành phần kháng viêm là: Thục địa, Nhục thung dung, La bạc tử. Bài thuốc có tác dụng hưng phấn hệ tuyến yên, vỏ thượng thận; đó là cơ sở của tác dụng kháng viêm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng táo bón người cao tuổi:

La bạc tử cho lửa nhỏ sao vàng, 30 - 40g uống với nước ấm, ngày 2 - 3 lần. Dương Kiện đã dùng trị 32 ca trên 60 tuổi, kết quả sau khi uống thuốc dưới 12 giờ: đi ngoài 20 ca; từ 12 giờ - 24 giờ: đi ngoài 9 ca; trên 24 giờ vẫn chưa đi tiêu được 3 ca. Tỷ lệ kết quả 90,6% (Báo cáo Trùng khánh y dược 1986,6:46).

2.Trị bệnh cao huyết áp:

  • Dùng liều thông thường ( 6 - 10g/mỗi ngày) cho bệnh nhân uống, theo dõi 467 ca cao huyết áp, tỷ lệ có kết quả 86,94%, kết quả rõ rệt 49,8%, tỷ lệ có cải thiện triệu chứng lâm sàng 92% (Lai Minh - Thông tin nghiên cứu Y học 1986,6:185).
  • Lấy La bạc tử sắc nước cô đặc nấu cao chế thành viên, mỗi lần uống 5 viên (tương đương 30g thuốc sống) ngày uống 3 lần trị trong 1 tháng, đã dùng cho cao huyết áp giai đoạn 1: 179 ca, tỷ lệ có kết quả 90% (Lưu kế Tăng, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,2:110).

3.Trị viêm phế quản mạn tính, ho khó thở nhiều đờm:

  • La bạc tử (sao), Tô tử (sao) đều 10g sắc uống.
  • La bạc tử (sao), Hạnh nhân đều 10g, Sinh Cam thảo 6g, sắc nước uống. Trị viêm phế quản mạn tính ho nhiều đờm.
  • Bài Tam tử dưỡng thân thang (Hàn thị y thông): La bạc tử (sao) 10g, Tô tử (sao) 10g, Bạch giới tử (sao) 3g, Tất cả tán nhỏ cho vào túi vải thêm 500ml nước sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (đơn thuốc của Diệp Quất Tuyền).

4.Trị rối loạn tiêu hóa, thực tích, bụng đầy, mồm hôi, tiêu bón, mót rặn:

  • La bạc tử (bột) 10g, Tỏi 1 củ (giã lấy nước) hãm nước sôi uống nóng. Trị đi tiêu mót rặn.
  • La bạc tử (sao) 10g, Chỉ xác 6g, Tiêu thần khúc 12g, sắc nước uống bụng đầy táo bón.

Ngoài ra còn dùng La bạc tử phối hợp với Tiểu hồi hương, Đại hoàng sắc uống. Trị tắt ruột đơn thuần. Củ cải phơi hay sấy khô 10 - 15g mỗi ngày, lá củ cải khô 10 - 15g/ ngày sắc uống, trị phù, thông tiểu tiện.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 6 - 10g sắc nước hoặc sao tán bột uống, hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
  • Thuốc nên sao lên để cho vào thuốc thang vì dùng sống dễ gây buồn nôn. Đối với người khí huyết suy nhược, nên thận trọng lúc dùng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây