Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


HÀ THỦ Ô ĐỎ

.

.

HÀ THỦ Ô ĐỎ ( Radix polygoni Multi flori) Hà thủ ô dùng làm thuốc bổ huyết là Hà thủ ô đỏ, còn gọi là Chế thủ ô. Thủ ô là rễ phơi khô của cây Hà thủ ô đỏ ( Polygonum multiflorum thunb) thuộc họ Rau răm ( Polygonaceae). Chế Hà thủ ô là Hà thủ ô là Hà thủ ô chế với Đậu đen ( 9 lần đồ, 9 lần phơi) cho Hà thủ ô thành màu đen có tác dụng bổ huyết tốt. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXV - Bổ huyết.

Tính vị qui kinh:

     1.Về tính vị:

Vị đắng, ngọt, sáp, hơi ôn, qui kinh Can thận.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Hà thủ ô lục: vị ngọt, tính ôn, không độc.
  • Sách Khai bảo trùng định bản thảo: vị đắng, sáp, hơi ôn, không độc.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: dùng sống khí hàn, tính liễm có độc. Chế thục khí ôn không độc.
     2. Về qui kinh:
  • Sách Bản thảo cương mục: túc quyết âm, thiếu âm.
  • Sách Bản thảo kinh giải: nhập túc thiếu dương đởm kinh, thủ thiếu dương tam tiêu kinh, thủ thiếu âm tâm kinh, túc thiếu âm thận kinh.
  • Sách Bản thảo tái tân: nhập 3 kinh Tỳ Phế Thận.

Thành phần chủ yếu:

Chrysophanic acid, emodin, rhein, chrysophanic acid, anthrone, lecithin.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bổ ích tinh huyết ( Chế thủ ô), dùng sống có tác dụng giải độc, triệt ngược, nhuận tràng, thông tiện, tư âm cường tráng. Chủ trị tinh huyết hư, sốt rét lâu ngày, ung sang độc, chứng loa lịch, chứng táo bón.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Hà thủ ô lục: " trị ngũ trĩ, bệnh lưng gối, làm mạnh gân lực, ích tinh tủy, tráng khí, làm đen tóc, kéo dài tuổi thọ. Trị bệnh phụ nữ sau sanh, xích bạch đới, lỵ lâu ngày không khỏi".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " uống lâu dễ có con, trị bệnh ở bụng, các chứng lãnh khí trường phong".
  • Sách Bản thảo cương mục: " trị can phong .. Thủ ô trắng vào phần khí, Thủ ô đỏ vào phần huyết, thuốc khí ôn, vị đắng, sáp; đắng bổ thận, ôn bổ can, thu liễm tinh khí, dưỡng huyết ích can, cố tinh thận, kiện gân cốt, làm đen râu tóc là vị thuốc tư bổ tốt".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " ích ca liễm huyết tư âm. triệt hư ngược, chỉ thận tả".
  • Sách Bản kinh phùng nguyên: " Hà thủ ô sống tính phát tán, trị sốt rét nóng lạnh, các chứng ung thư bối sang đều dùng được. Dùng tưới sắc uống thông tiện, tác dụng không khác Nhục thung dung.".
  • Sách Bản bảo thuật: " trị trúng phong, đầu thống, hành tý, hạc tất phong, chứng động kinh, hoàng đản".
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Hà thủ ô nhập vào Can để ích huyết khu phong kiêm bổ thận ..là thuốc tuấn bổ chân âm tiên thiên, thuốc cũng cần cho điều bổ dinh huyết của hậu thiên, thuốc dưỡng tinh thần, điều bổ nguyên khí".
  • Sách Thần nông bản thảo kinh độc: " Hà thủ ô dùng trị sốt rét và lỵ lâu ngày . cái hay của Hà thủ ô là nhập Thiếu dương kinh, khí rất mạnh, mạnh nên triệt được ngược tà, vị của thuốc rất sáp, sáp nên chặn được ngược tà, nếu bệnh chưa hết cho thêm Sài, Linh, Quất, Bán. Nếu đã khỏi nên thêm Sâm, Truật, Kỳ, Qui cho thêm 1, 2 thang".
  • Sách Bản thảo tái tân: " bổ phế hư chỉ thổ huyết".

B.Kết quả nghiên cứu Dược lý hiện đại:

  1. Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol ( Tư liệu tham khảo Tân y học 5 - 6, 1972). Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin ( Tư liệu tham khảo Tân y học 5 - 6, 1972).
  2. Thuốc làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu.
  3. Thuốc có khả năng nâng cao sức chống lạnh của chuột nhắt. Hà thủ ô trắng có tác dụng tăng cường miễn dịch.
  4. Thuốc giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có ý nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm.
  5. Thuốc có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột ( Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược - Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 - 346). Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín.
  6. Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm ( Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960).
  7. Glucozit Hà thủ ô trắng có tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng huyết hư, cơ thể suy nhược: có triệu chứng lưng gối mỏi nhức, váng đầu, hoa mắt, tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng nhiều, dùng bài:

  • Hà thủ ô hoàn: Hà thủ ô 20g, Thỏ ty tử 12g, Đương qui 12g, Ngưu tất 12g, Bổ cốt chí 12g, tán bột mịn, luyện hoàn với mật ong. Mỗi lần uống 8 - 12g, ngày 2 lần với nước sôi nguội hoặc nước muối nhạt. Trường hợp ra mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi ( tự hãn) gia Hoàng kỳ, Long cốt, Mẫu lệ, Bạch truật, Hoàng tinh, Chích thảo.
  • Trường hợp mất ngủ do huyết hư, dùng bài: Chế Hà thủ ô, Bắc Sa sâm, Qui bản, Long cốt, Bạch thược, mỗi thứ 12g, sắc uống.
  • Trường hợp thận yếu, đau lưng mỏi gối, di tinh nặng hoặc băng lậu đới hạ, sinh dục yếu, dùng bài: Thất bảo mỹ nhiệm đơn ( Thiệu ứng Tiết): Chế Thủ ô 20g, Bạch phục linh, Ngưu tất, Đương qui, Thỏ ty tử, Phá cố chỉ, mỗi thứ 12g, luyện mật làm hoàn, mỗi lần 12g, ngày 2 lần.

2.Trị lipid huyết cao, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, bệnh động mạch vành: có tác dụng làm giảm hoặc hết triệu chứng, ổn định bệnh, làm tăng sức, thường kết hợp với Ngân hạnh diệp, Câu đằng. Có công trình nghiên cứu dùng viên Hà thủ ô ( mỗi viên nặng 0,25g gồm thuốc sống 0,81 trong đó 30% bột Hà thủ ô, 70% cao nước chế thành), mỗi lần uống 5 - 6 viên ( có người uống 8 - 10 viên), ngày 3 lần, dùng thuốc liên tục trong 2 - 12 tuần, lâu nhất 14 tháng. Trị 178 ca cholesterol huyết thanh cao, kết quả tốt 38,2%, tiến bộ 23,6%, tỷ lệ kết quả 61,8% cholesterol huyết thanh giảm bình quân 39mg% trong đó 32% bệnh nhân giảm xuống mức bình thường, đối với bệnh nhân vừa và cao, kết quả tốt ( Bệnh viện Nhân dân Thượng hải số 3 trực thuộc Y học viện điều trị trị bằng viên Hà thủ ô, Báo Công nghiệp Y dược 1974,6:1).

Trị huyết áp cao, dùng bài Hà thủ ô hợp tể: Chế Hà thủ ô, Sinh địa, Huyền sâm, Sinh Bạch thược, Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Sa uyển tật lê, Hy thiêm thảo, Tang ký sinh, Hoài Ngưu tất, mỗi thứ 12g, sắc nước uống.

3.Trị sốt rét lâu ngày, thương âm khó lành: dùng bài:

  • Hà thủ ô 40g, Sài hồ 12g, Đậu đen 20g, sắc nước phơi sương 1 đêm, sáng hầm lên uống nóng.
  • Hà Nhân ẩm: Chế Hà thủ ô 16g, Đảng sâm, Đương qui, Trần bì, Oåi khương, mỗi thứ 12g, sắc uống.

4.Trị táo bón: trị táo bón do huyết hư, tân dịch hao tổn, dùng Tứ thạch, Đơn thạch, Đơn sâm, Ngũ vị tử, Toan táo nhân, Xuyên khung ( lượng nhỏ), có kết quả. Có tác giả dùng dịch tiêm Hà thủ ô 20% tiêm bắp mỗi lần 4ml, ngày 1 lần, 20 - 30 ngày là một liệu trình; trường hợp nặng chích 1 ngày 2 lần, cách nhật, liệu trình 15 - 20 ngày, nghỉ 15 - 20 ngày, ngủ khá hơn thì 9 ngày 1 lần hoặc uống Hà thủ ô mỗi lần 5 - 7 viên ( 0,5g/viên), ngày 3 lần, trường hợp uống lâu dài, ngày 2 lần sáng tối. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc bệnh giảm, mỗi tối uống 6 - 10 viên trước lúc ngủ. Uống và chích thay đổi dùng. Đã trị 141 ca, khỏi lâm sàng 53,9%, tiến bộ ngủ tốt 44,7%, tỷ lệ có kết quả 98,6%, theo tác giả tốt hơn loại thuốc ngủ Bromure và Meprobamate ( Bệnh viện 201 Giải phóng quân, Phân tích lâm sàng 141 ca mất ngủ bằng Hà thủ ô, Thông tin Trung thảo dược 1974,5:38).

6.Trị ho gà: dùng Hà thủ ô 6 - 12g, Cam thảo 1,5 - 3g, mỗi ngày 1 thang sắc, chia 4 - 6 lần uống, có người uống xong tiêu chảy nhẹ, dùng Kha tử hoặc Anh túc xác. Đã trị 35 ca khỏi 19 ca, cơ bản khỏi 8 ca, tiến bộ 4 ca, không kết quả 1 ca ( Vương Khởi Minh, Báo cáo về kết quả bước đầu điều trị ho gà bằng Hà thủ ô, Báo Trung y Giang tô 1965,3:10).

7.Trị sốt rét: Dùng Hà thủ ô 18 - 25g, Cam thảo 1,5 - 3g, trẻ em giảm lượng, sắc đặc sau 2 giờ, chia 3 lần uống trước bữa ăn. Trị 17 ca kết quả đều tốt ( Vương Khởi Minh, Báo cáo 17 ca sốt rét điều trị bằng Hà thủ ô, Báo Y học Quảng Đông 1964,4:31).

8.Trị tóc bạc: Dùng Hà thủ ô chế, Thục địa hoàng mỗi thứ 30g, Đương qui 15g, ngâm vào 1000ml rượu trắng 10 - 15 ngày, sau cùng mỗi lần 15 - 30ml, uống liên tục cho đến khi kết quả. Điều trị 36 ca ( 20 ca bạc từng đám, 16 ca rải rác bệnh kéo dài từ 1 đến 10 năm, kết quả khỏi 24 ca, tiến bộ 8 ca, tỷ lệ kết quả 88,9% ( Triệu Hồng Bân, Rượu Hà thủ ô trị tóc bạc, Tạp chí Trung Y Sơn đông 1983,4:41).

9.Trị tổn thương thần kinh quay: dùng Hà thủ ô 30g sắc, chia uống sáng và chiều, liệu trình 1 tháng. Theo dõi 14 ca, tỷ lệ khỏi 86,7% ( Truyền Bằng Liêu, Báo cáo 14 ca tổn thương thần kinh quay trị bằng Hà thủ ô, Tạp chí Trung hoa Trung y cốt thương khoa 1988,1:34).

10.Ngoài ra còn có báo cáo dùng trị mề đay, lở nhọt, trị nốt ruồi, tinh trùng yếu.

11.Giới thiệu một số bài thuốc đơn giản có Hà thủ ô thường dùng trong nhân dân để bổ dưỡng đối với người suy nhược:

  • Hà thủ ô 10g, Đại táo 5g, Thanh bì 2g, Trần bì 3g, Sinh khương 3g, Cam thảo 2g, nước 600ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Hà thủ ô hoàn: Hà thủ ô 1.800g thái mỏng, Ngưu tất 600g thái mỏng. Hai vị trộn đều, dùng 1 đấu to đậu đen đãi sạch. Cho thuốc vào chõ, cứ một lượt thuốc 1 lượt đậu. Đồ chín đậu, lấy thuốc ra phơi khô. Làm như vậy 3 lần rồi tán bột. Lấy thịt Táo đen trộn với bột làm thành viên 0,5g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên, dùng rượu hâm nóng, chiêu thuốc ( theo Hòa tể cục phương).
  • Hà thủ ô tán ( Bản thảo cương mục): Hà thủ ô cạo vỏ, thái mỏng, phơi khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu với rượu.

Liều dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều: 10 - 30g thuốc sắc, nấu dạng cao, ngâm rượu hoặc hoàn tán. Dùng ngoài theo yêu cầu bệnh lý, dạng sắc rửa, bột bôi hoặc đắp.
  • Chú ý:
  1. Trường hợp bổ ích tinh huyết dùng Chế thủ ô để giải độc, nhuận tràng. Trị sốt rét dùng Sinh thủ ô, tác dụng giải độc và nhuận tràng của Thủ ô càng mạnh hơn Sinh thủ ô.
  2. Chế thủ ô so với Thục địa: Thủ ô thiên về bổ can hư, Thục địa thiên về bổ thận hư. Thủ ô bổ nhưng không nê trệ như Thục địa. Theo kinh nghiệm lâm sàng thì nếu tâm huyết kém, não huyết kém dùng Thủ ô tốt, nếu là khí huyết suy nhược, tuần hoàn ngoại vi kém, chân tay lạnh thì dùng Thục địa tốt hơn.
  3. Không nên dùng chung với các loại thuốc khoáng chất như: Từ thạch, Đại giá thạch, không nấu chung trong các dụng cụ bằng sắt.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây