Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


HẠ KHÔ THẢO

.

.

HẠ KHÔ THẢO (Spira Prunellea Vulgario) Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây trên mặt đất (bỏ rễ) hoặc cành mang hoa và quả phơi khô của cây Hạ khô thảo (Prunella vulgaris L.) thuộc họ Hoa Môi (Labiatae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm VIII - Thanh nhiệt tả hỏa.
Vị đắng cay tính hàn qui kinh Can Đởm.

Thành phần chủ yếu:

Cành mang hoa quả và quả có chứa chừng 3,50% muối vô cơ tan trong nước, trong đó 68% là Kali clorua, ngoài ra còn có một số ancaloit.

Tác dụng dược lý:

1.Tác dụng lợi tiểu: rõ.

2.Tác dụng kháng khuẩn: in vitro, thuốc có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết.

3.Tác dụng hạ áp: trên thực nghiệm, chích nước sắc Hạ khô thảo cho thỏ có tác dụng gây hạ huyết áp. Trên lâm sàng cũng quan sát thấy thuốc có tác dụng hạ áp đối với người mắc bệnh huyết áp cao và làm giảm nhẹ triệu chứng.

4.Tác dụng chống ung thư: Qua nghiên cứu thực nghiệm bước đầu nhận xét thấy có tác dụng chống sự tăng trưởng của tế bào ung thư di căn ( thử nghiệm trên ung thư cổ tử cung của chuột nhắt).
 

Ứng dụng lâm sàng:

1.Thanh nhiệt tán kết: dùng chữa chứng tràng nhạc (loa dịch tức lao hạch lâm ba cổ) và anh lựu ( như bướu cổ đơn thuần) thường lấy vị Hạ khô thảo làm chủ dược. Những bài thuốc kinh nghiệm có:

  • Độc vị Hạ khô thảo 40g sắc uống hoặc phối hợp với Hà thủ ô 12g hoặc Huyền sâm 40g, Sinh Mẫu lệ 80g, sắc uống hoặc nấu thành cao ( Hạ khô thảo 4 phần, Hà thủ ô 1 phần) uống sáng và tối mỗi lần 10ml.
  • Hạ khô thảo, Bối mẫu, Viễn chí, Hương phụ sắc nước đặc uống.
  • Hạ khô thảo 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.
  • Hạ khô thảo 20g, Huyền sâm 12g, Thổ bối mẫu 12g, trị viêm hạch và viêm tuyến vú.

2.Trị đau mắt đỏ: (do Can hỏa bốc như viêm màng tiếp hợp cấp, viêm giác mạc cấp, mắt sưng đỏ dùng bài:

  • Hạ khô thảo 20g, Cúc hoa 20g, Bồ công anh 40g, sắc nước uống, nếu đau mắt kèm chảy nước mắt dùng Hạ khô thảo, Hương phụ lượng bằng nhau tán bột mịn, uống sáng tối mỗi lần 4g. Trường hợp do Can hư gây đau ở trong tròng, đem đau tăng có thể gia thêm Đương qui, Bạch thược, Cam thảo, Huyền sâm (Hạ khô thảo tán).
  • Hạ khô thảo, Bồ công anh đều tươi, mỗi thứ 40 - 80g, Tang diệp, Xa tiền thảo, Dã cúc hoa mỗi thứ 12g, sắc nước uống.

3.Trị cao huyết áp đau đầu, mắt đỏ:

  • Hạ khô thảo tươi 40 - 80g, sắc uống.
  • Hạ khô thảo, Hy thiêm thảo, Dã cúc hoa mỗi thứ 40g, sắc uống.
  • Hạ khô thảo 20g, Cúc hoa 12g, Sinh Mẫu lệ, Sinh Thạch quyết minh mỗi thứ 30g, Xuyên khung 4g, Mạn kinh tử 16g, sắc uống.

Ngoài ra có kinh nghiệm dùng Hạ khô thảo kết hợp Mộc hồ diệp trị viêm họng mạn, viêm lưỡi mạn. Mùa hè dùng Hạ khô thảo độc vị hoặc gia Sinh địa làm nước trà uống giải thử nhiệt, trị nhọt lở mùa hè ở trẻ em.

Trường hợp bị chấn thương phần mềm bị xát thương có thể dùng Hạ khô thảo giã nát đắp ngoài.

Liều thường dùng: 8 - 12g, thuốc tươi dùng nhiều hơn.

Chú ý lúc dùng:

  • Hạ khô thảo Bắc khác với loại Hạ khô thảo Nam hay lá Cải trời, Cải ma (Blumea subcapitata DC.) thuộc họ Cúc (Compositae).
  • Thầy lang cũng thường dùng chữa bệnh ngoài da, cần được nghiên cứu thêm.
  • Không dùng trong trường hợp vị âm hư, thuốc có tác dụng kích thích đối với niêm mạc dạ dày, cần dùng lâu dài nên kết hợp với các thuốc Đảng sâm, Bạch truật.
  • Có một số tác giả dùng trị u giáp và gia Hạ khô thảo trong một số bài thuốc trị ung thư, nhưng muốn xác định kết quả cần có sự nghiên cứu thêm.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây