Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


ĐINH HƯƠNG

.

.

ĐINH HƯƠNG (Flos Caryophylli) Đinh hương còn gọi là Công Đinh hương, Hùng tử hương, Đinh tử, Đinh tử hương là nụ hoa của cây Đinh hương, tên thực vật là Syzygium aromaticum (L) Merr et Perry. Nước sản xuất chủ yếu là Tanzania, Malaixia, Indonexia, các đảo Zanziba và Pemba (Ấn độ dương). Nước ta di thực chưa thành công còn phải nhập. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm IV - Trừ hàn.

Tính vị qui kinh:

Đinh hương vị cay tính ôn, qui kinh Tỳ Vị Thận.

Theo các sách cổ:

  • Bản thảo cương mục: cay nhiệt.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm, túc dương minh, thiếu âm kinh.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 4 kinh phế tỳ vị thận.

Thành phần chủ yếu:

Nụ Đinh hương chứa tinh dầu 16 - 19%, thành phần chủ yếu có: Eugenol, acetyl eugenol, beta-caryophyllene, methyl-n-pentyl ketone, methyl salicylate, humulene, benxaldehyde, benzyl alcohol, chavicol, a-ylangene eugenone, eugenin, oleanolic acid, rhamntin, kaempferol, eugenitin, Isoeugenitin, Isoeugenitol.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Đinh hương có tác dụng ôn tỳ vị, chủ trị các chứng quản phúc lãnh thống (đau bụng do lạnh), ẩu thổ (nôn mửa), ách nghịch (nấc).

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Dược tính bản thảo: "chủ lãnh khí phúc thống".
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: "tịch ác khử tà, ôn trung khoái khí, trị nấc ở thượng tiêu, hoắc loạn nôn mửa, giải độc rượu, trị âm hàn tâm phúc đầy trướng, lãnh thống, làm ấm hạ tiêu lưng gối lạnh đau, tráng dương đạo, ức chế âm tà, trừ vị hàn tả lî".
  • Sách Bản thảo thông huyền: " Đinh hương ôn trung kiện vị. Trong thuốc hoàn nên dùng cùng với các loại thuốc nhuận. Dùng độc vị, dùng nhiều thuốc đễ xông lên làm tổn thương phế và mắt".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Nước chiết xuất Đinh hương có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết acid dịch vị và pepsin, kích thích tiêu hóa.
  2. Dịch chiết xuất nước, cồn, ête của Đinh hương và tinh dầu Đinh hương đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nấm gây bệnh. Đinh hương có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lao, liên cầu dung huyết, trực khuẩn bạch hầu, lî, trực khuẩn phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn Bruce, trực khuẩn viêm phổi và virut cúm. In vitro thuốc có tác dụng làm tê liệt và giết chết lãi đũa ở heo.
  3. Đinh hương có loại thành phần hòa tan trong nước chưa được rõ có tác dụng kích thích cơ trơn của tử cung.
  4. Tinh dầu Đinh hương nhỏ vào hốc răng có tác dụng khử khuẩn và làm giảm đau răng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chàm lở: Dùng Đinh hương gia vào 100ml cồn 75% ngâm 48 giờ, bỏ xác, mỗi ngày bôi vào vùng chàm lở 3 lần. Tác giả đã trị 31 ca mắc bệnh chàm ở người và bàn chân trên 2 năm. Phần lớn bôi sau 1 ngày giảm, sau 2 ngày tróc vẩy, và 3 - 5 ngày khỏi. Có 20% vẫn tái phát (Báo cáo của Trần Bỉnh Đồng, Tạp chí bệnh ngoài da Trung hoa 1963,1:17).

2.Trị lở đầu vú: Lý hoài Tân dùng Công Đinh hương 10 - 20 cái (nụ) tán bột mịn. Nếu lở khô trộn dầu (mè hoặc dầu mù u) bôi vào, nếu lở ướt rắc bột vào 2 - 3 lần mỗi ngày. Theo dõi 10 ca kết quả tốt (Tạp chí Trung y 1966,6:29).

3.Trị nôn, nấc cụt, trẻ em ợ sữa:

  • Đinh hương thị đế thang: Đinh hương 3g, Tai hồng 10g, Đảng sâm 10g, Sinh khương 10g, sắc nước uống.
  • Đinh hương tán: Đinh hương 3g, Sa nhân 5g, Bạch truật 10g, tán bột mịn mỗi lần uống 2 - 4g, ngày 2 3 lần với 2 - 3 lần với nước ấm. Trị chứng nôn, tiêu chảy do tỳ vị hư hàn.

4.Trị đau do lóet dạ dày tá tràng thể hư hàn:

  • Đinh hương chỉ thống tán: Diên hồ sách 10g, Ngũ linh chi 6g, Đương qui 10g, Quất hồng 6g, Đinh hương 4g, tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3lần với nước sôi ấm. Trường hợp chảy máu không dùng.
  • Đinh hương 30g, bột Long cốt 300g, Mẫu lệ 300g, bột mì 120g, tất cả tán bột mịn trộn đều gói thành bao 6g mỗi bao. Mỗi lần uống 1 bao, ngày uống 2 - 3 lần với nước sôi ấm. Trường hợp lóet bao tử ợ chua nhiều uống tốt.

Phụ chú: MẪU ĐINH HƯƠNG

Mẫu Đinh hương là quả chín của cây Đinh hương, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục với tên Kê thiệt hương.

Tính vị, tác dụng chủ trị gần giống như Đinh hương.

Thuốc húy Uất kim (theo sách Lôi công bào chích luận).

Liều lượng và chú ý: (cho cả 2 thứ)

  • Liều thường dùng để uống, cho vào thuốc thang hoàn tán 2 - 5g.
  • Chú ý: Nhiệt chứng, âm hư nội nhiệt không dùng.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây