Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


BẠCH TRUẬT

Bạch truật

Bạch truật

BẠCH TRUẬT Rhizoma atrclylodis macrocephalae Bạch truật là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch truật( Atractylodes macrocephal Koidz) thuộc họ Cúc ( Compositae). Bạch truật được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Truật. Bạch truật còn có tên Ư truật, Đông truật, Triết truật. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVIII - Bổ khí

Bạch truật được trồng hoặc mọc hoang ở các tỉnh Triết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, An Huy ( Trung Quốc). Gần đây, ta cũng di thực được Bạch truật.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng, ngọt, tính ôn. Qui kinh Tỳ vị.

Theo các Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: vị khổ ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: cam vô độc.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị cam tân vô độc.

Về qui kinh:

  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái dương, thiếu âm, túc dương minh, thái âm, quyết âm.
  • Sách Bản thảo mông toàn: nhập tâm, tỳ, vị, tam tiêu.

Thành phần chủ yếu:

Atractylol, atractylon, vitamin A.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Bạch truật có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, táo thấp, lợi thủy, cầm mồ hôi và an thai. Chủ trị các chứng Tỳ vị khí hư, chứng thủy thũng, chứng đàm ẩm, chứng khí hư tự hãn và thai động.

Trích dẫn các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ phong hàn thấp tỳ kinh, vàng da, chỉ hãn, trừ nhiệt tiêu thực".
  • Sách Danh y biệt lục: " chủ mình mẫy mặt mày sưng to, đau đầu, váng đầu, chảy nước mắt, tiêu đàm thủy, trục phong thủy kết thũng dưới da, trừ tâm hạ cấp mãn, chứng đầy tức mõm ức và chứng hoắc loạn thổ hạ không cầm. ích tân dịch, làm ấm vị, tiêu cốc".
  • Sách Tân tu bản thảo: " lợi tiểu tiện".
  • Sách Y học khôi nguyên ( quyển hạ): " trừ thấp, ích táo, hòa trung ích khí ôn trung, trừ thấp tại tỳ vị, trừ vị nhiệt, làm mạnh tỳ vị sinh tân dịch, chủ cơ nhiệt, chỉ khát an thai".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Bạch truật vị đắng mà ngọt vừa táo thấp thực tỳ, vừa làm ấm tỳ sinh tân, tính rất ấm, uống vào thuốc kiện thực tiêu cực tiêu cốc, là vị thuốc số một bổ tỳ khí".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Tác dụng bổ ích cường tráng: Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng làm tăng trọng chuột, tăng sức bơi lội, tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng cường chức năng miễn dịch tế bào, làm tăng cao IgG trong huyết thanh, có tác dụng tăng bạch cầu và bảo vệ gan. Bạch truật có tác dụng tăng sự tổng hợp protein của ruột non.
  2. Nước sắc Bạch truật có ảnh hưởng đến ruột cô lập của thỏ như sau. Lúc ruột ở trạng thái hưng phấn thì thuốc có tác dụng ức chế, ngược lại lúc ruột đang ở trạng thái ức chế thì thuốc có tác dụng hưng phấn. Tác dụng điều tiết hai chiều đó của thuốc có liên quan đến hệ thống thần kinh thực vật. Do đó, Bạch truật có thể chữa được táo bón và tiêu chảy.
  3. Bạch truật có tác dụng chống loét. Nước sắc Bạch truật trên thực nghiệm chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa được sự giảm sút glycogen ở gan.
  4. Thực nghiệm chứng minh nước sắc và cồn Bạch truật đều có tác dụng chống đông máu, dãn mạch.
  5. Tác dụng lợi niệu của Bạch truật rõ và kéo dài có thể do thuốc có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước, tăng bài tiết Natri ( Học báo sinh lý 19-1,24:227-237), nhưng các báo cáo kết quả chưa thống nhất.
  6. Tinh dầu Bạch truật có tác dụng chống ung thư súc vật phát triển ( Học báo Dược học 1963,10(4):199).
  7. Bạch truật có tác dụng hạ đường huyết.
  8. Trên súc vật thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng an thần với liều lượng nhỏ chất tinh dầu.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị tiêu chảy do tỳ hư: Tiêu chảy kéo dài, người mệt mỏi, ăn kém:

  • Lý trung thang: Đảng sâm 12g, Can khương 8g, Bạch truật 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.
  • Chỉ truật hoàn: Bạch truật 12g, Chỉ thực 6g, sắc nước uống hoặc làm tán hoàn, mỗi lần 4 - 8g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước cơm càng tốt.
  • Trị tiêu chảy trẻ em, Lý Kinh Thanh dùng bài: Thổ sao Bạch truật, Mạch sao Sơn dược mỗi thứ 200g, vỏ cây táo (sao vàng), Sa tiền tử ( sao muối) mỗi thứ 150g tán bột mịn, dưới 1 tuổi: 0,5 - 1g/1lần; 2 - 3 tuổi : 2 - 3g; 4 - 6 tuổi: 3 - 4g, ngày 2 - 3 lần, uống trước khi ăn. Trong thời gian uống thuốc không ăn chất sống, lạnh, dầu, mỡ. Chứng lỵ cấp sau khi đã ổn định dùng bài này uống tốt. Đã trị 320 ca tiêu chảy kéo dài, khỏi 259 ca, tốt 56 ca, không kết quả 5 ca ( Tạp chí Trung y Sơn đông 1982,2:107).

2.Trị chứng ra mồ hôi do khí hư: thuốc có tác dụng cố biểu chỉ hãn:

  • Bạch truật tán: Bạch truật, Phòng phong mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 24g, sắc uống hoặc tán thành bột, mỗi lần 8 - 12g.
  • Bạch truật tiễn: Bạch truật, Hoàng kỳ mỗi thứ 12g, Phù tiểu mạch 20g, sắc uống.

3.Trị phù do Tỳ hư: dùng Ngũ linh tán ( Bạch linh, Bạch truật, Trư linh, Trạch tả, Quế chi) hoặc Ngũ bì ẩm gia Bạch truật, Trần bì, Tang bì, Tang bạch bì, Sinh khương bì, Đại phúc bì. Bài này đối với phụ nữ có thai dùng tốt. Trường hợp Tỳ thận hư hàn dùng bài Chân vũ thang ( Chế Phụ tử, Bạch linh, Bạch thược, Sinh khương).

4.Trị chứng bệnh về gan: Trọng dụng Bạch truật, trị xơ gan cổ trướng dùng bài 30 - 60g, viêm gan mạn dùng 15 - 30g, ung thư gan 60 - 100g, trường hợp tỳ hư thấp dùng Tiêu Bạch truật, âm hư dùng Sinh tân Bạch truật, tùy bệnh gia giảm có kết quả nhất định ( Học báo Trung y học viện An huy 1984,2:25).

5.Trị trẻ em nước rãi nhiều: dùng Sinh Bạch truật 10g, xắt nhỏ, cho vào chén nhỏ nước vừa đủ chưng lên, cho ít đường cho đủ ngọt cho uống. Kết quả tốt ( Văn tế bang giới thiệu kinh nghiệm chữa nước rãi trẻ em, Báo Trung y Giang tô 1966,12:1), Quách Kiếm Hoa, độc vị Quế chi trị Tâm quí; Sinh Bạch truật trị nước rãi ( Tạp chí Trung y Liêu ninh 1986,8:42).

6.Trị chứng huyễn vựng nội nhĩ ( Hội chứng Méniere): Bành Liên Chương dùng Bạch truật ( mạch sao), Trạch tả, sao Ý dĩ mỗi thứ 30g, sắc nước uống, mỗi ngày một thang chia 3 lần, phòng trị chứng huyễn vựng nội nhĩ đạt kết quả tốt ( Tạp chí Trung y Hồ bắc 1983,4:20).

7.Trị đau lưng đùi mạn tính: dùng Bạch truật 30g, Chích Sơn giáp 6g, gia rượu trắng 20 - 30 độ 100ml ( đủ lượng làm ngập thuốc), đậy nắp đun sôi, xong nhỏ lửa độ 30 phút, đổ nước ra còn xác sắc lần hai, nước thuốc 2 lần trộn chung chia 2 lần, uống sáng và chiều, uống liền 2 - 3 ngày. Đã trị 24 ca, kết quả đều tốt ( Báo Trung cấp y 1982,6:57).

8.Trị táo bón:

  • Ngụy Long Tường dùng Bạch truật sống 40g, 80g đến 160g, 200g. Nếu phân khô gia Sinh địa có khi ít gia Thăng ma để thăng thanh giáng trọc, nếu đại tiện khó mà phân mềm, rêu lưỡi đen xạm mà hoạt, mạch tế nhược gia Nhục quế, Phụ tử, Hậu phát, Can khương để ôn hóa ( Báo Tân y dược học tạp chí 1978,4:9).
  • Phạm hóa Quang dùng Sinh Bạch truật 60g, Sinh địa 30g, Thăng ma 3g, ngày 1 thang sắc uống, thường dùng 1 - 4 thang. Trị 50 ca phụ nữ táo bón sau phẫu thuật, kết quả tốt ( Tân Y dược học tạp chí 1979,6:27).

9.Dùng làm thuốc an thai: chữa phụ nữ có thai, huyết hư thai động dùng bài Đương qui tán: Bạch truật 12g, Đương qui 12g, Bạch thược 12g, Hoàng cầm 12g, Xuyên khung 8g, sắc uống. Liều 2 - 4 thang, mỗi ngày 1 thang.

10.Trị đau nhức khớp do phong thấp: dùng Bạch truật kết hợp Uy linh tiên, Phòng kỷ, Tang chi . có tác dụng kiện tỳ trừ thấp chỉ thống.

Liều thường dùng và chú ý:

 

- Trường hợp táo thấp lợi thủy thì dùng sống, nếu dùng bổ khí kiện tỳ chỉ hãn an thai thì dùng sao

  • Liều thường dùng: 5 - 15g, để thông tiện dùng 60 - 120g.
  • Chú ý:
  • Thuốc có tính ôn táo nên dùng thận trọng đối với bệnh nhân âm hư nội nhiệt. Trường hợp có triệu chứng khí trệ như ngực bụng đầy tức nếu dùng Bạch truật nên gia thêm thuốc hành khí như Trần bì, Mộc hương, Sa nhân.
  • So với Thương truật tính vị cay táo nhiều mà ít có tác dụng bổ, còn Bạch truật vị ngọt đắng, tính ôn, hơi cay nên tác dụng bổ nhiều hơn, tán dùng kiện tỳ tốt.

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền). Ảnh sưu tầm từ Internet.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây