Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


TÌM HIỂU ĐỊA DANH: HỒ PHÚ XUÂN - PHÚ YÊN

.

.

PHÚC TÂM ĐƯỜNG xin giới thiệu đến các bạn một tác phẩm của Thầy Nguyễn Đình Chúc đã dày công tìm hiểu và nghiên cứu địa danh vùng đất " Xứ Nẫu" qua tục ngữ, ca dao:
    
Đồng bào Xuân Phước, Xuân Quang
Hy sinh thì chịu, đầu hàng thì không
Xuân Phước có hồ Phú Xuân
Nhân dân ba xã vui mừng biết bao

 
     Tỉnh Phú Yên có bốn công trình thủy lợi mà hồ chứa nước Phú xuân là một trong bốn công trình đó. Hồ chứa nước Phú Xuân ngăn dòng nước sông Trà Bương làm thành công trình thủy lợi lớn tưới các cánh đồng thuộc ba xã Xuân Phước, Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3.
     Sông Trà Bương ( tiếng dân tộc là Cà Bương) phát nguyên từ Trà Kê chảy ra vùng Sơn Định, Xuân Phước rồi đổ ra Sông Cái. Từ thượng nguồn chảy xuống lượn vòng theo các triền núi quanh co uốn khúc dẫn đến hồ nước có lòng sông mở rộng. Hồ có con đê kiên cố chắn ngang theo hướng Bắc Nam để nước dâng cao rồi đổ ra hai kênh mương có hai bờ đưa nước về tưới các cánh đồng của Xuân Quang, Xuân Phước.


Theo Google Maps


Hồ Phú Xuân - Đồng Xuân - Phú Yên ( theo Vikimapia org)
 
     Được sự quan tâm của Trung ương, ngành Thủy nông tỉnh đã thăm dò kinh nghiệm cư dân địa phương khảo sát địa hình, lập đồ án, vạch kế hoạch. Hồ chứa nước được khởi công vào cuối năm 1993, lễ chặn dòng hồ chứa nước Phú Xuân được tiến hành vào ngày 20 tháng 2 năm 1995.
     Công nhân được huy động từ các xã trong huyện. Đến đầu năm 1997 hoàn thành đưa nước vào ruộng. Hồ có sức chứa 11 triệu mét khối đủ tưới cho 1500 hecta. Năm đầu có sự trục trặc nên lượng nước chưa đủ cung ứng như dự tính. Số ruộng được hưởng nước hồ còn quá ít, chỉ quanh vùng kế cận hồ. Sau đó lại phải nghiên cứu, sửa chữa đi lại cho đến năm 1998 mới hoàn chỉnh, lượng nước mới đủ cung cấp đến tận vùng xa. Theo dự tính, lượng nước đủ cung cấp cho mấy ngàn hecta nhưng thực tế chỉ cung cấp 2/3 diện tích.
     Khách đến thăm mới thấy được qui mô lớn của công trình. Từ mé núi hữu ngạn một con đê chắn ngang, chiều dài 120m, chiều cao 14m, mặt đê rộng 4m phía hồ có dài chênh chếch, lát đá chẻ chống xói mòn. Con đê ngăn nước sông về mùa lũ không cho tràn qua. Cách bờ tả ngạn chừng 30m, có xây một cống thoát nước, cống thoát nước này chia ba khổ, mỗi khổ hai bên có một trụ xi măng côt sắt, giữa ba tấm sắt có chiều cao 8m, chiều rộng 4m. Trên bốn trụ xi măng ấy có xây một cái khung ngang qua các trụ cũng bằng xi măng cốt thép. Những thanh ngang dọc chéo góc, với mục đích giữ vững các trụ. Ba tấm sắt giữ nước và để tháo nước vào mùa lũ.



Hồ chứa nước Phú Xuân ( theo Vikimapia org)
 
     Sỡ dĩ gọi là hồ mà không gọi là đập, vì đập thì khi nước dâng cao có thể tràn qua, còn hồ thì giữ nước lại. Hệ thống mương cái và mương con được xây dựng ở hai bên hồ. Về phía hữu ngạn có mương chính đưa nước cung cấp cho các cánh đồng Xuân Phước và Xuân Quang.
Mương phía tả ngạn là phụ đưa nước cung cấp các cánh đồng ở thôn Bình Thạnh Xuân Quang 2, là quá ít so với diện tích ở hữu ngạn.
     Cánh đồng Xuân Phước, Xuân Quang vốn đã phì nhiêu, nay có được nguồn nước, phù sa của sông Trà Bương bồi vào nên lúa rất tốt, mức thu hoạch nhiều vụ tăng gấp bội, trung bình 5 – 7 tấn mỗi hecta. Có nhiều nơi nông dân canh tác 3 vụ trong năm, nhưng số thu hoạch không chênh lệch bao nhiêu.
     Sông Trà Bương phát xuất từ vùng núi cao nên sông không dài nhưng nguồn nước sâu và lòng sông hẹp. Sông Trà Bương mang phù sa vào sông Cái bồi đắp cho các cánh đồng phía Bắc Tuy An. Ngày nay, lại bồi đắp cho cánh đồng ba xã Xuân Phước, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2. Hồ nước Phú Xuân hoàn thành, nhân dân có mức thu nhập tăng cao, đói nghèo không còn nữa.
     Thiên nhiên tạo núi sông với nét hùng vĩ riêng của mỗi nơi. Dựa vào thiên nhiên con người tạo ra vẻ tráng lệ hài hòa tương xứng, hồ Phú Xuân là một điển hình. Giữa hoang vu xuất hiện hồ nước xung quang là núi thật hữu tình. Mỗi buổi sáng khi vầng hồng ló dạng, hay buổi chiều tàn, khi bóng chiều nhường chỗ cho hoàng hôn. Vài du khách thả con thuyền dạo quanh hồ, uống rượu, ngâm thơ, thú vị biết là dường nào.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây