Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


Người mổ tách song sinh "Việt - Đức", bàn tay vàng ngành ngoại khoa qua đời

(Dân trí) - Vị giáo sư đã tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, là một trong những bàn tay vàng của ngành ngoại khoa Việt Nam vừa qua đời trong sự tiếc thương của đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân.
.
Ngày 5/9, Sở Y tế TPHCM cho biết, Giáo sư, bác sĩ Văn Tần, một trong những bàn tay vàng trong ngành ngoại khoa Việt Nam đã từ trần tại nhà riêng lúc 10h15 ngày 4/9, hưởng thọ 92 tuổi.
Sự ra đi của người thầy thuốc dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chữa trị, nghiên cứu và giảng dạy ngoại khoa để lại bao tiếc thương cho gia đình, người bệnh, đồng nghiệp và các thế hệ học viên.
Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông nguyên là Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, chiếc nôi của ngành ngoại khoa khu vực phía Nam.
GS Văn Tần

Giáo sư Văn Tần từng giữ các trọng trách như: Phó Chủ tịch Hội ngoại Tim mạch, Lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi Lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế.
Giáo sư Văn Tần có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2.
Ông được Nhà nước, Bộ Y tế vinh danh Thầy thuốc ưu tú (năm 1997), Thầy thuốc nhân dân (năm 2005), Anh hùng lao động (năm 2006) cùng hàng loạt các giải thưởng, thành tựu khác.
Suốt cuộc đời, Giáo sư Văn Tần đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp. Một trong những ca mổ phức tạp nhất là vào năm 1988, khi ông cùng Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Trần Thành Trai tách rời Nguyễn Việt và Nguyễn Đức, cặp song sinh dính nhau phần xương chậu.
Nguyễn Đức, người em trong cặp song sinh "Việt - Đức" (thứ hai, từ trái sang) đã có vợ con, sau nhiều năm trải qua ca mổ lịch sử (Ảnh: Hoàng Lê).
Ca mổ "huyền thoại" trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học nước nhà.
Khi đến tuổi hưu, Giáo sư Văn Tần không chọn nghỉ ngơi sau nhiều năm dài cống hiến cho ngành y học nước nhà, mà vẫn tiếp tục làm cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Bình Dân, cũng như truyền thụ kiến thức cho nhiều thế hệ sinh viên và học viên tại các trường đại học y khoa.
"Khi tôi mới vào nội trú thì thầy Văn Tần đã là Trưởng khoa Ngoại. Thầy là người tận tâm, mổ giỏi, mát tay, không quản ngày đêm đối với những ca cấp cứu khó mà đàn em mời tham vấn. Đó là điều tôi cảm phục nhất ở thầy", Giáo sư Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân chia sẻ.
"Thầy thật nghiêm khắc trong việc phân công và kiểm tra công việc hàng ngày. Tuy nhiên trong lúc phẫu thuật, thầy thật hiền, ít nói, điềm đạm, không nóng giận khi bác sĩ phụ chưa hiểu ý hoặc điều dưỡng chưa đưa đúng dụng cụ.
Nhờ đó, mọi người trong ekip luôn bình tĩnh, tự tin dù có những tình huống khó... Chúng tôi sẽ luôn khắc ghi những điều thầy dạy", bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Công Quyền, Trưởng khoa Lồng ngực - Bướu cổ, Bệnh viện Bình Dân kể lại kỷ niệm với Giáo sư Văn Tần
 

Giáo sư Văn Tần làm chủ tọa tại Hội nghị Khoa học công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 thời điểm tháng 4, khi ông đã 92 tuổi (Ảnh: BV).
Dù tuổi đã cao nhưng hầu như ngày nào, vị giáo sư cũng đến bệnh viện từ 5 giờ để thăm khám người bệnh trước thời điểm giao ban, nhất là những trường hợp phức tạp, để lưu ý cho các bác sĩ điều trị.
Giáo sư Văn Tần cũng dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để tập trung nghiên cứu, viết sách. Khi ông ra về thì đường phố đã lên đèn. Và bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya, ông luôn có mặt.
"Những kiến thức, kinh nghiệm và phong cách làm việc của Giáo sư Văn Tần để lại sẽ là di sản quý giá, ươm mầm cho các thế hệ y bác sĩ tiếp bước", lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận định.

  Hoàng Lê
Thứ ba, 05/09/2023 - 09:38
00:00/02:56
Nam miền Bắc

 

Nguồn tin: từ internet:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây