Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH: Tứ chẩn ?

TỨ CHẨN I. ĐẠI CƯƠNG: Chẩn: xem xét. Tứ Chẩn: 4 phép xem xét hay nói 4 phép khám bệnh, để biết bệnh. 1.Vọng chẩn: trông nhìn hình sắc, điểu bộ. 2.Văn chẩn: nghe ngóng thanh âm, hơi thở và ý tứ. 3.Vấn chẩn: hỏi rõ bệnh căn, trạng chứng. 4.Thiết chẩn: xét đoán bộ mạch. Bốn phép chẩn ấy gọi tắt là Vọng, Văn, Vấn, Thiết.
.
Vọng, Văn, Vấn, Thiết: 4 tên gọi thuộc hành động của 4 bộ phận (mắt, tai, miệng, tay) tuy khác nhau, nhưng khi sử dụng phải liên hiệp với nhau để đúc kết mà biết bệnh.
Vọng, Văn, Vấn, Thiết: tuy có xếp thứ tự trước sau (1.Vọng 2.Văn. 3.Vấn. 4.Thiết) đó là nói, trước nhìn hình sắc người bệnh (vọng), rồi nghe tiếng nói (văn), hỏi thêm bệnh căn (vấn), sau cùng mới thiết mạch (thiết), hầu như không thể đảo lộn. Nhưng chỉ cần biết rằng : “vọng là sơ khởi mà thiết là tối hậu”. Còn Vọng, Văn, Vấn có thể linh động trong chung một lúc, hay khi thiết mạch đồng thời Vọng, Văn, Vấn cũng đựơc, miễn là thầy thuốc có đủ khả năng tinh thần và tài nghệ.
Phép tứ chẩn là công việc đầu tiên của người thầy thuốc và là chủ chốt rất cần thiết của chức nghiệp người thầy thuốc. Công việc đó đòi hỏi ngừơi thầy thuốc phải học hỏi, phải suy xét, mổ xẻ, mài dũa cho thấu đáo tinh tường và sâu rộng để rồi định bệnh lập phương mà trị liệu cho xác thực mà linh nghiệm mới có thể là một lương y. nếu không biết gì hay chỉ lơ mơ mà cũng để tay xem mạch, nói bệnh, cho thuốc thì khác nào như “mò kim đáy biển” e có thể nguy hại cho bệnh nhân.
Trong khi khám bệnh, người thầy thuốc phải sử dụng cả ngũ quan của mình : Thị giác thần kinh để xem xét; thính giác thần kinh để nghe ngóng; khẩu giác thần kinh để hỏi đáp; xúc giác thần kinh để chẩn đoán, thêm vào đó có khứu giác thần kinh để đánh hơi. Thật cả một bộ máy tinh thần phải đem hết vào công việc tứ chẩn lúc ấy.
Thời đại người xưa chưa phải là thời đại điện năng cơ khí, mà các bậc thánh nhân tìm tòi suy luận phát minh ra pháp tứ chẩn này để xem biết bệnh căn, thật là một khoa học tinh kỳ, giao hòa với âm dương, ứng hợp với ngũ hành, đối chiếu với kinh lạc tạng phủ của con người, có kỷ cương, có đạo lý uyên thâm mà phong phú, mãi mãi trước sau phải lấy đó làm căn bản, để thi dụng trong việc trị bệnh. Mặc dầu ngày nay đã văn minh, hay sau này còn văn minh đến cực độ, cũng không thể đổi thay, không thể chê bỏ. Thật đúng vậy !.

II. VỌNG CHẨN:
Vọng chẩn: xem xét bệnh bằng cách lấy mắt nhìn. Nhìn tinh thần hình sắc để biết bệnh : “đã phát hay sẽ phát” mà trị liệu mà đề phòng.
Người thầy thuốc đứng trước người bệnh (bất kỳ nam hay nữ, già hay trẻ) phải trông diện mạo, trông hình dáng, ngắm điệu bộ toàn thân, nhìn khí sắc tinh thần và cách đứng ngồi nghiêng ngã để ngầm đoán bệnh của con người ấy trong tư tưởng của mình.
Cách nhìn người bệnh chỉ nên vừa nói chuỵên, vừa nhìn thoáng qua, chứ không nhìn chừng chừng vào mặt người ta như các thầy xem tướng, trừ khi bệnh nặng thì phải nhìn kỹ để xem.
Nhìn tổng quát:
Trước hãy nhìn tổng quát xem người ấy gầy hay béo:
Người gầy mà đen thì chân huyết hư hàn (máu lạnh, thiếu máu) mà lại có hỏa nhiệt (huyết hư hữu hỏa).
Người béo mà bạch thì chân khí hư hàn (khí lạnh, thiếu khí sức) mà lại lắm đàm thấp (khí hư đa đàm).
Nhìn hình dáng:
Tướng đi cứ khom người xuống hay ưỡn ngữa người ra thì hẵn là đau lưng.
Ôm đầu ngồi nhăn mặt cau mày thì hẵn là nhức đầu, váng đầu.
Tay không giơ lên được thì hẵn là đau vai.
Bước đi khó khăn là mỏi cẳng nhức chân.
Tay cứ bóp bụng nắn hông thì hẵn là đau bụng.
Ngủ nhiều không buồn dậy là Tỳ hàn mà âm thịnh dương suy.
Ngủ không được, thức chong chong là đàm hỏa thịnh.
Nằm co, quay mặt vào xó tối không dám nhìn ra ánh sáng là hàn lãnh.
Nằm ngữa phơi người ra là nhiệt.
Sau nhìn từng bộ vị ở trên mặt, khí sắc của ngũ tạng trong người đều ứng hiện ra cả các bộ vị nào thuộc tạng nào rồi tính (tương sinh, tương khắc) (như tính sinh khắc trong ngũ hành), để biết bệnh ở tạng nào mà quyết đoán bệnh ấy tử sinh (tương sinh thì sống, tương khắc thì chết).
Những khí sắc của ngũ tạng hiện ra, đúng màu sắc của nó thì vô bệnh, nếu biến đổi màu sắc là có bệnh.
Bộ vị màu sắc chính của Ngũ Tạng ở trên mặt.
Trên khuôn mặt người ta đều ứng hiện đủ cả khí sắc của Ngũ tạng có liên hiệp ngũ sắc, ngũ thời và ngũ hành.
Số TT Bộ vị Tạng Sắc Mùa Hành
1
2
3
4
5
Trán (thiên dình)
Má bên trái (tả giáp)
Má bên phải (hữu giáp)
Vành hàm dưới (địa các)
Đầu mũi (tỵ chuẩn đầu)
Tâm
Can
Phế
Thận
Tỳ
Đỏ
Xanh
Trắng
Đen
Vàng
Hạ
Xuân
Thu
Đông
Tứ quý
Hỏa
Mộc
Kim
Thủy
Thổ
  • Ngũ sắc:
Đỏ, Xanh, Trắng, Đen, Vàng màu sắc nào cũng phải có thần khí hiện ra trong màu sắc đó. Ví dụ:
- Đỏ thì đỏ tươi như màu đỏ mào gà.
- Xanh thì xanh bóng như cánh chim Trả.
- Trắng thì trắng bóng như miếng mỡ heo.
- Đen thì đen nhánh như lông cánh chim.
- Vàng thì vàng tươi như gạch cua.
Đó là những màu sắc có thần, có khí (nghĩa là nhìn nó tựa hồ như có khí sức sống động). Bệnh nhân có màu sắc ấy sẽ sống.
Ngược lại:
- Đỏ khô như cục gạch.
- Xanh xám như màu chàm.
- Trắng xác như xương khô.
- Đen ảm như bồ hóng (ám khói).
- Vàng lợt như màu đất thố (đất sét).
Đó là những màu sắc không có thần (vì hết khí thì không có thần). Bệnh nhân có màu sắc ấy sẽ nguy. Cho nên nói rằng :
“Thần vượng thì sắc vượng, thần suy thì sắc suy”.
  • Nhìn toàn bộ mặt:
- Mặt đỏ hồng là phong.
- Mặt tái xanh là đau bụng.
- Mặt trắng lợt là hàn.
- Mặt thẫm đen là lao.
- Mặt vàng là đại tiểu tiện khó khăn.
  • Nhìn mũi:
-Đầu mũi: bình thường đỏ và ngứa là phong nhiệt. Bất thần đỏ là bệnh nặng.
-Đầu mũi xanh là đau bụng.
- Đầu mũi trắng là bệnh mất máu.
- Đầu mũi đen, trong người có nhiều nước.
- Đầu mũi vàng là trong bụng lạnh.
  • Nhìn môi, miệng, lưỡi:
- Môi dưới tự nhiên thâm đen là Tỳ Thận hàn.
- Môi đỏ mà khô là tâm vị nhiệt.
- Lưỡi sưng đầy trong miệng nói không ra tiếng là “trùng thiệt” (tựa như 2 lưỡi) làm ăn uống không tiêu.
- Lưỡi sưng đầy trong miệng mà cứng là “mộc thiệt” (lưỡi cứng như khúc cây) là khó thở.
- Lưỡi đỏ, đầu lưỡi nhọn, và đỏ cả 2 môi là tâm nhiệt.
- Lưỡi vàng, lưỡi khô, lưỡi mọc gai đều là nhiệt.
- Lưỡi cứng, lưỡi co rụt lại là nguy chứng.
- Lưỡi thè dài ra là bệnh “âm dương dịch” rất nguy.
(Âm Dương Dịch: âm di dịch sang dương, dương di dịch sang âm. Nghĩa là đàn ông mắc bệnh Thương hàn vừa mới hết nhưng chưa phải đã hết hoàn toàn mà vội giao cấu với đàn bà thì cái dương là còn lại ấy nó di dịch sang là bệnh cho đàn bà gọi là dương dịch. Ngược lại gọi là âm dịch.)
- Giữa lưỡi trũng xuống, chung quanh lưỡi như răng cưa là bệnh bất trị.
- Phía trên lưỡi và phía dưới lưỡi phồng lên như bong bóng, như con tằm nằm là bệnh bất trị.
  • Nhìn lưỡi trong lúc có bệnh Thương Hàn:
- Lưỡi ươn ướt mà lại đóng trắng ở trên là bệnh bán biểu bán lý.
- Lưỡi khô mà vàng vàng là bệnh đã nhập lý.
- Lưỡi đen là bệnh nhập lý đã nặng. Lưỡi đen chia 2 loại : Đen cháy nứt nẻ mọc gai là nhiệt cực, Đen mà có nước miếng trơn nhuần thì lại là hàn.
- Lại nhìn toàn bộ mặt không có mọc mụn mà chỉ vành môi trên có mọc vài mụn như mụn trứng cá là trùng đang cắn ở trong ruột già . Hay chung quanh môi và hàm dưới mọc vài mụn như mụn trứng cá là trùng đang cắn ở giang môn. Đó là loại trùng “hồ và hoặc” trong lúc thương hàn biến chứng. Trong lúc bình thường mà có mụn mọc ở môi trên môi dưới như vậy, hẵn là người ấy đang mắc bệnh trĩ.
- Miệng lưỡi lở mà mụn lỡ đỏ là tâm nhiệt.
- Miệng lưỡi lở mà mụn lở trắng là Phế nhiệt.
- Miệng lưỡi lở mà mụn lở đỏ trắng lẫn lộn là Tâm Phế đều nhiệt.
  • Nhìn mắt (khi đang bệnh):
- Mặt vàng mà mắt xanh hay đỏ trắng đen là dấu khỏi bệnh. Nếu :
- Mặt xanh mà mắt đỏ là Tâm Can tuyệt (tuyệt là hết khí).
- Mặt xanh mắt vàng là Can mộc khắc Tỳ thổ.
- Mặt đỏ mắt trắng là hỏa khắc kim.
- Mặt xanh mắt đen là Can Thận tuyệt.
- Mặt đỏ mắt xanh là Tâm Can tuyệt.
- Mặt nhìn lơ láo là tà khí nhập Can.
- Mặt nhìn ngược mà không biết gì là Can mộc khắc Tỳ thổ.
- Lại nhìn mắt lúc bình thường :
- Mắt đỏ sưng là Can nhiệt, phong nhiệt.
- Mắt không đỏ, nước mắt sống chảy ra nhiều là Can huyết hư.
- Mi mắt dưới phía trong trắng lợt là Can huyết hư hàn.
  • Nhìn chung hình sắc trong lúc bệnh nặng:
- Khóe mắt vàng vàng là bệnh sắp hết.
- Hơi người xông ra hôi thối là thịt đã chết.
- Lưỡi rụt, dái săn là Can đã tuyệt.
- Miệng há hốc không ngậm lại là Tỳ đã tuyệt.
- Tóc dựng đứng, da thịt và xương khô là Thận đã tuyệt.
- Đái ra quần không biết là Thận đã tuyệt.
- Lông da khô là Phế đã tuyệt.
- Mặt đen xạm, mắt nhìn ngược là âm khí đã tuyệt.
- Vành mắt trũng xuống mà mồ hôi ra từng giọt tròn tròn như hạt châu ở trên mặt (nhất là ở trán) dính lại không rớt xuống là Dương khí đã tuyệt.
- Lòng bàn tay không còn vân vết gì là Tâm bào tuyệt.
- Móng tay, móng chân biến sắc xanh là Can Thận tuyệt.
- Những thể tạng xấu trong lúc bệnh nguy còn nhiều không thể kể hết.
  • Nhìn mụn ban (sởi):
- Ban có nhiều loại nhưng cứ nhìn màu sắc mụn :
- Mụn ban lên như hạt kê rắc trên mặt trên mình mà màu đỏ là ban đỏ, phần nhiều thuộc nhiệt.
- Nhưng ban đỏ chưa trị hết mà để gió hay nước lạnh thấm vào thì biến ra sắc đen, có thể khó trị.
- Mụn ban mọc lên cũng như hạt kê rắc mà sắc trắng là ban trắng, loại này phần nhiều thuộc hàn.
  • Nhìn mụn đậu:
- Đậu có 2 loại : chính đậu (đậu mùa) và thủy đậu (đậu nước).
- Mụn đậu mùa thì các mụn đều tròn tròn mà hơi phồng lên, da mụn dầy, phần nhiều là đỏ mắt và nhắm mắt. Loại này dữ.
- Mụn đậu nước thì mụn tròn, mụn méo, nhỏ, to không đều, da mụn mỏng, mụn có nước, mụn có mủ, mụn nửa nước nữa mủ. Loại này hiền.
- Ở đậu nước, hai con mắt lúc nào cũng sáng trong như thường.
  • Nhìn mụn Ung thư (danh từ Ung thư này khác với danh từ Ung thư bên Tây y).
- Mụn mọc to hay nhỏ bất luận chỗ nào trong thân thể, phân ra 2 loại : Ung và Thư
- Mụn sưng đỏ (chưa có mủ hay đã có mủ) làm đau nhức nóng lạnh rất dữ là -Ung. Tuy dữ mà mau khỏi, mụn ung thuộc dương.
- Mụn sưng trắng mà da mụn như thường, không đỏ, không đau, không ngứa là Thư. Mụn thư này có khi 10 năm, 20, 30 năm mới đau nhức mà vỡ mủ ra. Khi đã vỡ mủ ra là có thể nguy.Mụn Thư thuộc âm.
  • Nhìn phân bệnh lỵ:
- Phân tiêu ra có chất trắng như đàm như mũi là Bạch lỵ, hàn.
  • Nhìn phân bệnh lỵ :
- Phân tiêu ra có chất trắng như đàm như mũi là Bạch lỵ, hàn.
- Phân tiêu ra lẫn máu đỏ là Xích lỵ, nhiệt.
- Phân đỏ, phân trắng (vừa đàm vừa máu) lẫn lộn là Xích, Bạch lỵ thuộc bán nhiệt bán hàn.
  • Nhìn khí sắc ở mặt và lưỡi sản phụ trong lúc lâm sản khó khăn:
- Khi thai muốn ra mà ra chưa được, nhìn mặt, má, môi và lưỡi người sản phụ nếu đã hiện ra sắc xanh và đen là có thể nguy cả mẹ và con. Vì sắc xanh là Can khí đã hư không còn tàng huyết nữa mà sắc đen là Thận thủy khắc hỏa.
- Nhưng chỉ lưỡi xanh mà mặt còn đỏ tức là Tâm huyết còn lưu thông thì chỉ có thể cứu được người mẹ.
  • Nhìn sắc mặt trẻ em khi có bệnh:
- Gân xanh vắt ngang qua sơn căn (từ khóe mắt bên này vắt ngang sóng mũi qua khóe mắt bên kia) là Can mộc khắc Tỳ thổ. Khi gân xanh nổi lên là Tỳ Vị yếu chỉ cho uống ôn bổ Tỳ là khỏi.
- Gân đỏ vắt ngang qua sơn căn là Tâm nhiệt.
- Gân xanh mọc tua tủa như búi rễ cây đầy cả bụng là Tỳ hàn và thực tích (loại gân xanh này cũng giống như loại gân xanh nói trên), cũng cho uống ôn bổ Tỳ nhưng thêm vài vị tiêu thực tích.
- Ỉa đái mà lỗ đít đỏ loét là Tâm nhiệt (bệnh này phải uống thanh tâm sát trùng mới khỏi. nếu uống Chỉ tả tiêu thực, bệnh sẽ tăng)
- Ỉa chảy mà nước phân trắng như sữa lại phát khát là Phế tà nhiệt (cho uống Thanh phế thì khỏi ngay. Nếu uống ôn dược sẽ chết).
- Lưỡi đỏ mà nhọn, lại môi cũng đỏ là bệnh Cam giun.
- Môi dưới không đỏ cả môi mả chỉ thấy có một đường chỉ đỏ nằm giữa mỗi phân ranh rõ ràng, thẳng suốt cả vành môi là bệnh Cam giun rất nặng.
- Môi dưới (có thể cả môi trên) phồng trắng nổi lên như con tằm loại lớn nó nằm trên môi là loại (biến chưng) vô bệnh không cần phải uống thuốc. (Biến chưng là nóng chưng chưng để thay đổi xương thịt cho lớn lên.).

III. VĂN CHẨN

Văn chẩn: Xem xét bệnh (khám bệnh) bằng cách lấy tai nghe, thêm vào đó lấy mũi, lấy mắt mà "nghe", lấy tinh thần ý tứ mà "nghe".
Nghe là thầy thuốc nghe tiếng nói, nghe hơi thở, nghe cách ăn uống nằm ngồi v.v… của người bệnh để biết bệnh mà trị.
Gốc của tiếng nói:
Tiếng nói của người ta do Ngũ tạng phát ra. Vì ngũ tạng ứng hợp với ngũ âm và ngũ hành (mỗi tạng thuộc một âm, một hành).

Ngũ tạng Phế Can Tâm Tỳ Thận
Ngũ âm Thương Giốc Chuỷ Cung
Ngũ hành Kim Mộc Hỏa Thổ Thủy

- Phế thuộc âm Thương, Thương thuộc Kim phát ra thanh âm Vang vang.
- Can thuộc âm Giốc, Giốc thuộc Mộc phát ra âm Dài dài.
-Tâm thuộc âm Chủy, Chủy thuộc Hỏa phát ra âm Khàn khàn.
-Tỳ thuộc âm Cung, Cung thuộc Thổ phát ra thanh âm Ồ ồ.
-Thận thuộc âm Vũ, Vũ thuộc thủy phát ra âm Thanh thanh.
Đó là kể theo lẽ chính phát ra tiếng nói. Tuy nhiên, không nhất định như vậy. Còn có người tiếng nói vang vang mà lại có lúc ồ ồ, hay có người tiếng nói khàn khàn mà lại có lúc thanh thanh v.v… Bởi âm thanh pha trộn mà lại cũng còn tùy theo sức khỏe mỗi lúc của họ nữa.
Tiếng nói phát ra từ ngũ tạng, nhưng bắt đầu từ Phế trước. Vậy Phế là chủ việc phát thanh. Vì Phế thuộc Kim, Kim có âm thanh nên đứng đầu.
-Trước tiên từ Phế phát ra tiếng có vẻ thương buồn như tiếng khóc, tiếng thở dài. Tại sao?. Bởi Phế thuộc kim, kim có tính nghiêm khắc sát phạt, sinh buồn thảm.
- Phế truyền vào Can, Can phát ra tiếng gọi ơi ới, Tại sao? Bởi Phế kim khắc Can mộc, Can mộc sợ mà phải kêu gọi.
- Phế truyền vào Tâm, Tâm phát ra tiếng nói. Tại sao? Bởi Tâm hỏa muốn khắc lại Phế kim, Tâm phải nói ra.
- Phế truyền vào Tỳ, Tỳ phát ra tiếng hát, tại sao? Bởi Tỳ thổ sinh Phế kim, Tỳ thổ gặp Phế kim, Tỳ mừng như mẹ gặp con mà phát ra lời ca tiếng hát.
- Phế truyền vào Thận, Thận phát ra những tiếng rên rỉ, tại sao? Bởi Phế kim sinh Thận thủy. Thận thủy gặp Phế kim, Thận thủy uốn éo như con gặp mẹ mà than van rên rỉ.
- Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gọi, tiếng nói, tiếng ca và tiếng rên tuy mỗi tạng một tiếng khác nhau, nhung nói chung là ở cả Ngũ tạng mà trước là Phế, sau cùng là Thận.

Nghe tiếng nói, hơi thở của người bệnh
  • Nghe rên rỉ.
- Rên rỉ hầm hừ là lên cơn lạnh.
- Rên rỉ xuýt xoa hẵn là đau bụng hay đau xương đau mình.
- Rên rỉ mà gò người lại là đau bụng.
- Rên rỉ mà nhăn mặt cau mày hẵn là răng lưỡi bị đau.
- Rên rỉ mà chân không bước đi được hay đi rề rề từng bước hẳn là đau chân, đau lưng mỏi gối.
- Rên rỉ không trở mình được hẳn là đau eo lưng.
- Rên rỉ lắc đầu, giựt tai xoa môi hẵn là đau nhức răng.
- Trẻ em nhắm mắt gục đầu vào mẹ mà rên li bì là Tỳ hàn lãnh. (nếu không cho thuốc ôn Tỳ gấp sẽ thành “màn kinh”.).
  • Nghe tiếng nói:
- Tiếng nói chậm rải nhỏ nhẹ là trong người hàn và có phong đàm.
- Tiếng nói ồm ồm như nói trong kín vọng ra là Tỳ có Thấp khí.
- Nói sắp hết câu lại nói trở lại không nói luôn đi được là thiếu hơi.
- Ngồi nói lảm nhảm một mình, câu đầu câu cuối không ứng tiếp nhau là tư lự quá tổn thương thần khí.
- Nói năng quát tháo chửi bới cuồng loạn không kể kẻ thân người sơ, lại quần áo hở hang không biết, là không còn thần khí trong người. Bệnh này tên chữ gọi “Cuồng ngôn”. Bệnh cuồng ngôn cũng có trường hợp bởi hậu hoạn của Thương hàn.
- Tiếng nói nhút nhát ngại ngùng, trước nhẹ nhẹ sau dần dần rõ hơn là tà khí nội thương.
- Tiếng nói mạnh dạn, trước âm ẩm sau lại nhỏ đi là ngoại cảm.
- Miệng kêu gào lại lấy tay đè ngực hẵn là đang đau bụng tức ngực.
- Tiếng nói rè rè là bệnh mất máu đã lâu ngày khó trị.
- Nói nhảm, nói càn trong lúc mắc bệnh thương hàn đã nhập lý gọi là “Thiềm ngữ, trịnh thanh”. (Thiềm ngữ: nhắm mắt nói chuyện trước kia của mình hay mở mắt nói chuyện người ở đâu đâu, khi nói một mình hay khi ngủ mà vẫn lảm nhảm rên rỉ. Nếu bệnh nặng hơn còn quát tháo cuồng loạn. Bệnh này bởi Vị nhiệt nhập Tâm, tức là tà nhiệt đã vào dương minh hay vào thiếu âm.
(trịnh thanh: Nói mơ màng không đâu, nói đi nói lại hoài hoài lại có khi nói trọ trẹ ngòng ngọng không như tiếng nói bình thường. Bệnh này bởi biểu lý hư tuyệt và tinh khí suy bại mà tinh thần tối tăm và lưỡi rụt ngắn lại.).
  • Nghe hơi thở
- Lấy hơi mà thở hù hù và hù hù là khí bị ưất kết.
- Cứ ngồi rít hơi lên để thở là bệnh hen.
- Rít hơi lên mà thở khò khè như kéo cưa trong cổ là hen thuộc Thận suy.
- Đau ốm lâu ngày mệt nhọc phải rít hơi lên mà thở là bệnh thuộc loại hư.
- Bình thường không có nóng lạnh gì mà phải rụt cổ gò vai để thở là bệnh đàm hỏa thuộc nhiệt.
  • Nghe tiếng á thanh
- Tự nhiên tắt tiếng nói (á thanh) là phong đàm mà có hỏa tiềm phục ở trong hay khi cơn nóng giận có gào thét quá làm khô chất nhựa cổ họng mà khan cổ tắc tiếng.
- Ngứa trong cổ mà á thanh là bệnh lao và khái, khó trị.
- Bệnh thương hàn khi đã nhập lý mà lại á thanh, khó trị.
  • Nghe tiếng nấc cụt
Tiếng nấc cụt có 2 loại
- Bệnh mới phát mà nấc cụt là bởi hỏa nhiệt hay đàm khí nghịch. Tiếng nấc nghe khá mạnh.
- Bệnh đã lâu mà nấc cụt là Vị khí sắp hết có thể nguy, tiếng nấc nghe yếu.
- Bình thường tự nhiên nấc vài ba tiếng chỉ là cái khí thăng giáng không điều hòa trong nhất thời mà thôi.
  • Nghe tiếng ho
Ho có nhiều loại
- Mới ho mà tắt tiếng khan cổ, rát cổ họng là phong nhiệt hay phong hàn.
- Ho khàn khàn không có đàm là phế khí nóng khô.
- Ho nhổ ra đàm nhiều là đàm thấp.
- Ho ngấc ngấc từng cơn là phong nhiều, thường gọi ho gà.
  • Nghe tiếng ụa mửa
Bệnh ụa mửa (ẩu thổ) có phân loại :
- Há miệng thổ có tiếng kêu ọe ọe mà không có vật gì ở trong họng theo ra là ụa khan (Can ẩu-hữu danh vô vật).
- Há miệng thổ ra tiếng kêu ọc ọc mà ở trong họng thổ ra nhiều cơm nước dãi nhớt là bệnh thuộc nhiệt (nhiệt thổ).
- Há miệng thổ không có tiếng kêu mà ở trong họng tuồn tuột chảy ra lại là bệnh thuộc hàn (hàn thổ-vô thanh hữu vật).
- Thổ ra ngữi thấy mùi chua là thực tích.
- Thổ ra ngữi thấy tùi tanh là thực tích có trùng.
  • Nghe tiếng tiết tả (ỉa chảy)
Bệnh tiết tả có phân loại:
- Bệnh tả, nước phân ở giang môn chảy ra lại còn phỉ hơi ra kêu phè phè là nhiệt tả.
- Nước phân tuồn tuột chảy ra là hàn tả.
- Phân tả ra có mùi tanh là trùng tích tả.
 Vọng chẩn, văn chẩn còn nhiều linh tinh không cẩn thiết kể hết nơi đây, vì có thể suy biết.

IV. VẤN CHẨN:

Vấn chẩn: Xem xét bệnh bằng cách lấy lời mà hỏi bệnh nhân thêm để biết bệnh mà trị. Trong hành tứ chẩn (vọng, văn, vấn thiết), ta đọc sơ qua mà nghe thì Vấn chẩn đứng hàng thứ 3 lơ lửng, hầu như chỉ là phần thêm. Nhưng khi lâm sàng mới thấy Vấn chẩn giữ phần bàng quan về bệnh tật rất cần thiết. Vì những điều như hoàn cảnh, địa nghi và tình tiết có ảnh hưởng đến tật bệnh rất nhiều mà những điều ấy lại không ở trong phạm vi của Vọng, Văn và Thiết để xem mà biết được. Nên cần phải hỏi.
Nếu không Vấn (hỏi) mà chỉ Vọng, Văn, Thiết dám chắc rằng dù thầy thuốc nào tài giỏi gấp mấy cũng không thể biết cho hết được tất cả đại thể và tiểu tiết về bệnh nhân trong khi sơ ngộ vài giờ.
Vậy điều gì thầy thuốc không biết thì phải hỏi để mà biết.
Nếu người nào bảo rằng : “Ông thầy thuốc nọ, Ông thầy thuốc kia khi xem mạch còn cứ phải hỏi bệnh này điều nọ của mình” rồi cho thầy thuốc ấy là “không biết xem mạch, không hay”, xét ra lời nói đó chỉ là bâng quơ nhất thời mà thôi, nhưng cũng có hại, nên nếu có gặp thì phải giải thích cho người ấy hiểu rõ.
Nói cho đúng “Vấn chẩn” quả là một gạch nối cần thiết giữa người bệnh và thầy thuốc để thông suốt và sáng tỏ hơn về những bí ẩn của tật bệnh.
Vậy người bệnh không nên e dè giấu giếm tật bệnh của mình, mà thầy thuốc cũng không nên nói kiểu cách để che lấp những điều mình không biết. Nghĩa là hai bên cần phải thành thật trong khi vấn đáp để mổ xẻ mà định bệnh lập phương cho đúng thời mới mong có hiệu quả.

PHƯƠNG PHÁP HỎI

- Nói rằng không biết thì phải hỏi, nhưng hỏi phải có phương pháp, tức là có đường lối, có mạch lạc và có ý nghĩa.
- Có lúc nghiêm nghị mà hỏi, có lúc nói đùa giỡn vui cười mà là hỏi.
- Lại còn phải tùy theo tuổi tác và cấp bậc của mỗi người mà hỏi.
- Người già cả, người học thức thì hỏi bóng gió xa xôi.
- Ngừơi trai trẻ, kẻ thô lỗ thì hỏi huỵch tẹt. Mà hai bên hỏi đáp cần phải có vấn đề lễ phép ở trong cho thuần mỹ.
  • Hỏi ông cụ già
Ông cụ già bước vào phòng mạch, xin xem mạch uống thuốc.
Kính mời cụ ngồi.
1. Thưa cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu?
- Để biết nhiều tuổi thì khí huyết đã suy.
2. Thưa cụ, da mặt của cụ đỏ hồng, đẹp lão, tốt tướng lắm, nhưng có bốc nóng trên mặt không?
- Để biết có bốc nóng lên mặt là Hỏa thăng Thủy giáng, ắt có bệnh chân thủy đã cạn, nên hỏa mới thăng. Người mà vô bệnh thì “Thủy thăng hỏa giáng”. Vậy những cụ già mà mặt đỏ hồng là có bệnh.
3. Cụ có nhiều các ông,­ các bà là con không?
- Các ông con, bà con có sự nghiệp không? Để biết có con cái mà con cái làm ăn dư giả thì gia cảnh cũng đủ cung dưỡng. Nếu không thì buồn rầu lo nghĩ và kham khổ.
4. Thưa, hồi trung niên cụ làm gì?
- Để biết nếu làm chức sắc thì tư lự thương Tỳ, mà canh nông thì cần lao thương Thận.
5. Thưa cụ răng còn tốt không?
- Để biết chưa rụng răng thì Thận còn tốt, mà rụng nhiều thì Thận suy.
6. Cụ đi bộ được nhiều không?
- Để biết đi bộ nhiều thì gân còn tốt, mà đi lại khó khăn thì gân yếu tức Can yếu.
7. Cụ có ngủ được không?
- Để biết ngủ được thì Tâm điều hòa, không ngủ thì Tâm nóng.
8. Cụ có  ăn được không?
- Để biết ăn được thì Tỳ vị còn tốt, mà không ăn được thì Tỳ vị suy yếu.
9. Cụ có tiểu đêm nhiều lần không?
- Để biết không đái đêm ( hay chỉ 1 lần) thì Thận hỏa còn vượng mà đái đêm nhiều lần thì Thận tinh suy mà vô hỏa.
10. Đại tiểu tiện có bình thường không?
- Để biết tiểu tiện gắt đỏ là nhiệt; đục như nước vo gạo là thấp hạ hãm. Đại tiện táo đen khô là thấp nhiệt; lỏng là hư hàn mà dẻo dính, rặn không ra là thấp trệ…
  • Hỏi bà cụ già
Bà cụ già bước vào phòng mạch xin xem mạch uống thuốc.
Kính mời cụ ngồi ( cũng hỏi đại khái như những câu hỏi trên rồi hỏi thêm)
1. Thưa cụ, cụ sinh đẻ có nhiều không?
- Để biết sinh đẻ nhiều thì Huyết suy mà sinh đẻ ít thì Huyết chưa suy giảm mấy.
2. Cụ hết kinh kỳ hồi bao nhiêu tuổi?
- Để biết, nếu 45, 46 tuổi hết thì Huyết thiếu mà nóng, đúng 49 tuổi mới hết thì sự tuần hoàn của kinh thủy đúng kỳ. Nếu ngoài 50 tuổi ( hay có khi 60 tuổi) mà còn kinh kỳ là Can khí và Tỳ khí suy không giữ được huyết. ( Nên biết thêm người miền Bắc phần nhiều kinh hành chỉ đến 49 tuổi là hết, nếu ngoài 49 tuổi mà còn hành kinh là phải uống thuốc cho cầm giữ lại. Nhưng người miền Nam gần 60 tuổi còn có kinh lại là thường, Nếu 49, 50 tuổi mà hết kinh, họ lại cho là sớm phải uống thuốc cho có. Xin nghiên cứu).
3. Thưa cụ, cụ có hay bị nhức đầu không?
- Để biết nhức đầu mới phát rất dữ là ngoại cảm; nhức đầu liên miên cứ muốn ói mửa cũng là ngoại cảm; nhức đầu liên miên khi đỡ khi dừng lại là do nội thương.
4. Thưa cụ, cụ có đau lưng không?
- Để biết mới đau mà đau nhức lắm là do ngoại cảm; đau ê ẩm đã lâu là Thận suy và thấp.
 
  • Hỏi ông trung niên
Ông trung niên vào phòng mạch, mời ngồi.
Đại khái cũng hỏi mấy câu về Tâm Can Tỳ Thận như hỏi ông cụ già, rồi hỏi thêm:
1. Thưa ông, năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Để biết số tuổi mà so đọ với hình thể người. Người nhiều hơn tuổi là vất vả; tuổi nhiều hơn người là vào hạng phong lưu.
2. Ông có uống được nhiều rượu không?
- Để biết uống rượu nhiều thì ăn nhiều thịt hẳn là lắm đàm, mỡ mà huyết nóng.
3. Lúc này ông làm ăn khá lắm không?
- Để biết trước nghèo mà nay giầu, trước địa vị thấp mà nay cao hẳn là tâm tư đang vui mừng sung sướng. Ngược lại, tâm tư đang lo nghĩ buồn rầu.
4. Thường thường cả ẩm thực và y phục, ông ưa mát hay nóng?
- Để biết thích đồ mát là nội nhiệt, thích đồ nóng là nội hàn.
5. Ông ở nơi thung lũng hay đồi núi?
- Để biết nơi thung lũng thì nhiều bệnh thấp; đồi núi thì nhiều bệnh táo ( khô ráo) – địa ty thủy thấp, sơn cao thổ táo)
  • Hỏi bà trung niên: Đại khái cũng mời ngồi, cũng hỏi mấy câu về kinh huyết như hỏi bà cụ già rồi hỏi thêm
1. Thưa bà bà có vẻ nhàn nhã?
- Để biết nhàn nhã chơi không thì khí trệ, mà lam lũ vất vả thì khí tán.
2. Xin lỗi, ông nhà ta có nhiều vợ không?
- Để biết ông nhiều vợ, thì bà hay ghen tức làm mất ngủ, sẽ nóng Tâm Can.
3. Bình thường bà có phải lo nghĩ gì không?
- Để biết lo nhiều thì hại phế, nghĩ nhiều thì hại tỳ, mừng nhiều thì hại tâm, giận nhiều thì hại Can và sợ nhiều thì hại Thận.
  • Hỏi anh thanh niên
1. Anh bệnh à, mấy hôm rồi?
- Để biết bệnh mới phát là thực chứng, đã lâu là hư chứng.Bệnh gì vậy?
Để biết, nếu nhức đầu nóng lạnh là ngoại cảm. Mà đau bụng đau tim, lỵ, đi tả là nội thương.
2. Có khát nước không?
- Để biết khát nhiều là nóng bên trong, thích uống nước lạnh, cũng là nóng bên trong, mà uống nước nóng là lạnh bên trong.
3. Trong miệng đắng hay chua?
- Để biết miệng đắng là nóng, miệng chua là thương thực, miệng mặn miệng ngọt là hàn.
4. Có thèm ăn không?
- Để biết không thèm ăn là thương thực mà thèm ăn là bệnh vặt (nói chung, người yếu có thèm ăn là vị khí còn, sẽ khỏi. Ngược lại khó khỏi).
5. Anh thích ăn chua hay ăn ngọt?
- Để biết thích chua là Can hư, thích ngọt là Tỳ hư, thích mặn là Thận hư, thích đắng là Tâm hư, thích cay là Phế hư.
6. Trong bụng có khoan khoái không?
Để biết, nếu không khoan khoái là có bệnh thương thực, đàm tích và khí trệ.
7. Có khi nào bị đau bụng không?
- Để biết, không bao giờ bị đau bụng là trong bụng không có bệnh, nếu có đau là thực tích, khí tích hay đàm tích và huyết ứ. Chổ bụng đau mà ấn tay vào dễ chịu là hư hàn, nếu ấn tay vào lại đau trội lên là thực nhiệt.
8. Anh có đi bộ đội không? Và có khi nào đóng ở nơi sơn lam chướng khí không?
- Để biết mà trừ độc sốt rét.
9. Anh đã bị sốt rét chưa?
- Để biết một ngày một cơn là dương ngược, cách ngày một cơn là âm ngược.
10. Anh có bị bệnh Mộng tinh không?
- Để biết, Tinh bởi thận, mộng bởi tâm. Mộng tinh là bệnh bởi tâm, không phải bởi thận, và có mộng mới xuất tinh thì dễ trị, nếu không mộng mà xuất tinh là Thận suy thoát tinh, khó trị.
  • Hỏi cô thiếu nữ
1. Kinh nguỵêt thế nào, có đều không?
- Để biết, mỗi tháng đều đúng ngày, màu máu đỏ là tốt. Nếu trồi là huyết nhiệt, mà sụt là huyết hàn.
2. Xin lỗi, cô có bị thất tình không?
- Để biết, nếu có thất tình thì Can khí uất.
3. Cô đã lập gia đình chưa?
- Để biết mà xem mạch. Nếu xích mạch hoạt, thốn mạch vi là có thai, thì phải dưỡng thai mà không thì điều kinh dưỡng huyết.
4. Cô còn đi học hay đi làm, có thức khuya nhiều không?
- Để biết nếu thức khuya nhiều thì dương khí suy phải bổ dương để hòa âm.
  • Linh tinh
- Gặp người điếc thì phải hỏi bà con của người ấy, vì trường hợp nào mà điếc, vô tình đụng chạm vào lỗ tai mà điếc, đau ốm lâu ngày mà điếc, bị thương hàn uống lầm thuốc mà điếc, đàn bà bị hư thai nhiều lần kinh huyết suy bại mà điếc.
- Gặp người không điếc mà hỏi không trả lời thì phải nhẹ tay gõ vào đầu hay lay động thân người, có thể là trúng hàn rồi hôn mê hay bị đau ốm lâu yếu sức quá phát lạnh rồi hôn mê.
- Gặp người quả phụ thì phải hiểu rằng: những người đàn bà góa bụa, huyết khí hay bị ngưng trệ nên hai bộ xích phần nhiều hay “hoạt” thì chớ vội đoán là có thai mà lầm. Cả những người con gái muộn chồng có khi cũng có mạch ấy. Vậy tốt hơn hết là khi xem mạch phải hỏi hoàn cảnh sống của họ vậy.
- Gặp trường hợp người bệnh ở nhà, sai người đến phòng mạch xin thuốc thì phải hỏi rõ, người bệnh ấy là ai, trai hay gái, già hay trẻ, cha mẹ anh em hay người giúp việc… Rồi hỏi bệnh căn để biết rõ mà cho thuốc. Tuy nhiên nếu gặp bệnh khó thì phải nói : “Bệnh này không xem mạch, không thể cho thuốc”.
Những câu hỏi trên đây đã phân ra từng tiết mục để dễ nhớ, mà hỏi lại để như có thể học ôn lại cho khỏi quên. Những người muốn học để chống thành nghề nên ghi vào sổ tay để mỗi khi gặp đẳng dạng nào thì cứ theo đây mà hỏi, kể cũng tiện lợi. Tuy nhiên những câu hỏi đã đặt ra không thể nhất định. Vậy phải tùy trường hợp, tùy cảnh tình thay đổi khác biệt thì phải linh động mà hỏi, mới là tài trí vậy.

IV.THIẾT CHẨN:

Thiết chẩn là một bộ phận chẩn đoán quan trọng của tứ chẩn, chúng tôi dành một chương riêng ở phần sau.

Tác giả bài viết: Thiếu Phúc sưu tầm

Nguồn tin: Định Ninh Tôi Học Mạch, Hội & CLB YDDT Sở Y tế Tp HCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây