Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


QUẾ CHI

.

.

QUẾ CHI (Quế chi tiêm) Ramulus Cinnamomi Quế chi là cành quế con phơi khô làm thuốc (hoặc vỏ của cành quế con của cây quế (Cinamomum cassia Blume) Vị cay ngọt, tính ôn qui kinh Phế, Tâm, Bàng quang. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm I - Phát tán phong hàn.


  • Tác dụng dược lý chủ yếu: giải cảm tán hàn, thông kinh chỉ thống, hành huyết lợi tiểu.
  1. Tán hàn giải cảm: Vỏ quế có tác dụng giải nhiệt, làm giãn mạch ở da giúp giải nhiệt làm ra mồ hôi (tức ôn thông kinh lạc). Theo kinh nghiệm YHCT thì tác dụng của quế chi chủ yếu là giúp các loại thuốc khác giải nhiệt, phát hãn tốt hơn, còn bản thân quế chi thì tác dụng này yếu. Nếu phối hợp với các thu liễm thì thuốc lại có tác dụng cầm mồ hôi.
  2. Giảm đau: thuốc tác dụng lên trung khu cảm giác ở não, nâng cao ngưỡng đau, thuốc có khả năng làm giãn mạch trong bệnh đau đầu do co thắt mạch, có thể làm dịu co thắt cơ trơn. Làm giảm đau bụng.
  3. Trợ tiêu hóa (kiện vị) : Thuốc làm tăng tiết nước bọt và dịch vị giúp tiêu hóa.
  4. Trên ống nghiệm: cồn quế có tác dụng rõ rệt đối với tụ cầu trùng vàng, trực khuẩn thương hàn. Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh.

5.Tác dụng chống vi rút và nấm: trong ống nghiệm, nước sắc quế chi có tác dụng ức chế mạnh vi rút cúm và nấm gây bệnh.
 

  • Ứng dụng lâm sàng:

1.Tán hàn giải cảm: chữa chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau mình, sợ lạnh: Quế chi thang (Thương hàn luận) gồm: Quế chi 12g, Bạch thuợc 12g, Chích thảo 6g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả sắc nước uống. Dùng tốt đối với bệnh nhân cơ thể vốn yếu mắc ngoại cảm phong hàn.

2.Khu hàn chỉ thống: Trị chứng đau bụng do cảm hàn dùng bài Tiểu kiến trung thang: Quế chi 8g, Bạch thuợc 16g, Chích thảo 4g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả, Đường phèn 30g, sắc thuốc bỏ xác cho đường vào uống lúc nóng.

Trị chứng phong thấp đau các khớp không sốt dùng bài: Quế chi phụ tử thang: Quế chi 12g, Phụ tử 12g, Cam thảo 8g, Sinh khương 12g, Đại táo 3 quả. Sắc nước uống lúc nóng.

3.Hành huyết thông kinh: Trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh, dùng Quế chi phục linh hoàn gồm: Quế chi, Phục linh, Đơn bì, Bạch thược, Đào nhân mỗi thứ 8g sắc nước uống hoặc tán bột mịn làm hoàn.

Bài thuốc trị u xơ tử cung: Quế chi, Đào nhân, Xích thược, Hải tảo, Mẫu lệ, Miết giáp mỗi thứ 160g; Phục linh, Đơn bì, Bạch thược, Đào nhân mỗi thứ 240g, Hồng hoa 100g, Nhũ hương, Một dược, Tam lăng, Nga truật mỗi thứ 80g. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10-12g, ngày 2-3 lần.

4.Ôn thận hành thủy: Quế chi có tác dụng thông dương lợi thủy phối hợp các vị thuốc ôn thận kiện tỳ lợi thủy khác trị các chứng phù (trong bệnh viêm thận, thận hư nhiễm mỡ.) hoặc đàm ẩm (trong bệnh viêm phế quản mạn).

Trị chứng phù thường dùng bài Ngũ linh tán: Bạch linh, Bạch truật, Trư linh mỗi thứ 12g, Trạch tả 16g, Quế chi 4g tán bột mịn mỗi lần uống 8-12g hoặc làm thuốc sắc.

Trị chứng viêm phế quản hoặc hen phế quản mạn tính nhiều đàm dùng Linh quế truật cam thang: Bạch linh 12g, Bạch truật 8g, Quế chi 8g, Cam thảo 4g sắc nước uống.

  • Thành phần hóa học: có tinh dầu, trong tinh dầu chủ yếu có Andehit xinamic, camphen.
  • Liều lượng thường dùng: 2-12g, có thể dùng nhiều hơn tùy tình hình bệnh lý.
  • Chú ý lúc dùng thuốc: kiêng kỵ đối với chứng sốt cao, âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai, kinh nguyệt ra nhiều.

Trường hợp đau bụng kiết lỵ, viêm đại tràng mạn (thể hư hàn) trong bài thuốc chữa bệnh gia Quế chi có tác dụng giảm đau.

Trường hợp tắt kinh, kinh nguyệt không đều do hư hàn dùng Quế chi phối hợp Đương qui, Bạch thược để họat huyết thông kinh có tác dụng tốt.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây