Phúc Tâm Đường

https://www.phuctamduong.com


NGỌC TRÚC

.

.

NGỌC TRÚC ( Rhizoma Polygonati Odorati) Ngọc trúc dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Nữ ủy, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Ngọc trúc ( Polygonatum officinale All.) hay ( Polygonatum odoratum (Mill.) Druce). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXVI - Bổ âm.

Vì lá giống lá trúc, thân rễ bóng nhẵn trông như ngọc nên có tên Ngọc trúc, họ Hành tỏi ( Liliaceae).

Cây này mọc nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc nên tại các tỉnh biên giới của ta có thể có, nhưng ta chưa khai thác.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt, tính bình, qui kinh Phế Vị.

Theo Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: vị ngọt bình.
  • Sách Trấn nam bản thảo: vị ngọt, hơi đắng, tính bình, hơi ôn, nhập Tỳ.

Thành phần chủ yếu:

Conballamarin, convallarin, quercitol, vitamin A.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tư âm nhuận phế, sinh tân dưỡng vị. Chủ trị chứng ho lao phế táo, vị âm hư, âm hư ngoại cảm, chứng tiêu khát.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ trúng phong, bạo nhiệt, các chứng bất túc, da mặt đen xạm, uống lâu trở nên tươi nhuận".
  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ thời bệnh hàn nhiệt, nội bổ bất túc, khử hư lao khách nhiệt, đầu thống bất an".
  • Sách Bản thảo thập di: " chủ thông minh, điều huyết khí, cường tráng cơ thể".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trừ phiền muộn, chỉ khát, nhuận tâm phế, bổ ngũ lao thất thương, hư tổn".
  • Sách Bản thảo cương mục: " chủ phong ôn tự hãn, lao ngược hàn nhiệt, thiêm ngược ( sốt rét) và tất cả các chứng bất túc, dùng thây Sâm Kỳ, thuốc không hàn, không táo, rất có công hiệu".


 

B.Kết quả nghiên cứu Dược lý hiện đại:

  1. Nước thuốc sắc, chiết xuất cồn liều nhỏ đối với tim cô lập ếch có tác dụng cường tim, dùng với Hoàng kỳ, có tác dụng cải thiện điện tâm đồ thiếu máu cơ tim.
  2. Thuốc có tác dụng hạ lipid huyết, làm chậm lại sự hình thành xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng chịu đựng trạng thái thiếu oxy của cơ tim.
  3. Thuốc có tác dụng ức chế tăng đường huyết đối với chuột cống thí nghiệm.
  4. Thuốc có tác dụng nhuận tràng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị bệnh mạch vành, đau thắt ngực: phối hợp với Đảng sâm chế thành bài:

  • Cao Sâm Trúc (bài thuốc của Bệnh Viện Tây Uyển Bắc Kinh): Đảng sâm 12g, Ngọc trúc 20g, sắc thành cao, uống chia 2 lần/ngày.

2.Trị bệnh thấp tim: thuốc có tác dụng cường tim, tư dưỡng khí huyết, thường phối hợp với Kỷ tử, Long nhãn nhục, Mạch đông, Sinh khương, Đại táo. Nếu huyết áp thấp gia Chích thảo, trường hợp suy tuần hoàn phải gia Phụ tử, Quế nhục, trường hợp mạch nhanh huyết áp hơi cao, cần thận trọng lúc dùng.

3.Trị chứng ngoại cảm ( có triệu chứng ho, phế táo) ở bệnh nhân vốn âm hư: dùng bài:

  • Gia giảm Ngọc trúc thang ( thông tục Thương hàn luận): Ngọc trúc 12g, Hành tươi 3 củ, Cát cánh 6g, Đạm đậu xị 16g, Bạc hà 4g ( cho sau), Chích thảo 2g, Bạch vị 4g, Táo 2 quả, sắc nước uống.

4.Trị viêm phế quản lâu ngày, lao phổi, ho do phế táo: dùng Ngọc trúc nhuận phế cùng kết hợp với Mạch môn, Sa sâm, Thạch hộc.

Liều lượng và cách dùng:

  • Liều 10 - 15g, cho vào thuốc thang, nấu cao hoặc hoàn tán.
  • Dùng thuốc tươi hoặc độc vị, có thể dùng liều 40 - 80g, dùng cường tim cần liều cao.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây