NHŨ HƯƠNG

Chủ nhật - 16/08/2015 18:35

.

.
NHŨ HƯƠNG ( Gummi Olibanum) Nhũ hương dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách "Danh y biệt lục" . Tên La tinh là Mastic hay Olibanum là chất nhựa dầu lấy ở cây Nhũ hương ( Boswellia Carteni Birdw cũng có tên La tinh là Pistica lenticus L) thuộc họ Đào lộn hột ( Anacardiaceae), sản xuất từ một số nước ven bờ Địa trung hải. Còn có tên là Hắc lục hương, Thiên trạch hương, Địa nhũ hương. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVII - Hoạt huyết, khứ ứ


Tính vị qui kinh:

Vị cay đắng, tính ôn. Qui kinh Tâm, Can, Tỳ.

Theo một số Y văn cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: " hơi ôn".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " hơi cay, nóng, hơi độc".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " qui kinh túc thái âm, thủ thiếu âm, túc quyết âm kinh".

Thành phần chủ yếu:

Trong Nhũ hương có 90% hỗn hợp acid mastixic C20H32O2, acid masticolic, một ít masticaresen, có khoảng 2% tinh dầu mùi long não trong đó chủ yếu là dipinen.

Tác dụng dược lý:

A.Theo dược lý cổ truyền:

Thuốc có tác dụng hoạt huyết giảm đau, chủ trị các chứng đau kinh, tắt kinh, đau vùng thượng vị, đau phong tê thấp, té ngã chấn thương, trường ung. Ngoài ra thuốc có tác dụng tiêu phù sinh cơ trị các chứng nhọt lở lâu ngày khó lành miệng.

Trích theo một số Y văn cổ:

  • Sách Bản thảo cương mục ( chương 34 nói về Hắc lục hương ghi) : " Nhũ hương mùi thơm nhập Tâm kinh, hoạt huyết định thống trị được các chứng ung thư sang lở, thuốc chủ yếu của tâm phúc thống . thuốc trị bệnh sản khoa hay dùng nhờ tính hoạt huyết của thuốc".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " ngã trật đã, chấn thương, đau sau sinh, tâm phúc đau, do thuốc thơm cay, tẩu tán, tán huyết bài nùng, thông khí hóa trệ".
  • Sách Y học trung trung tham tây lục viết: " Nhũ hương và Một dược cùng dùng có tác dụng tuyên thông tạng phủ, lưu thông kinh lạc, do đó có thể trị các chứng đau ở tâm phúc, các khớp chân tay. Thuốc chuyên trị phụ nữ hành kinh đau bụng, sau sinh đau do ứ huyết, rối loạn kinh nguyệt. Do có tác dụng thông khí hoạt huyết, thuốc có tác dụng trị phong hàn thấp tý, toàn thân tê dại, chân tay bại và ung nhọt sưng đau hoặc các nhọt cứng không đau. Dùng ngoài trị nhọt lở có tác dụng giải độc, tiêu phù, sinh cơ chống đau, tuy là thuốc khai thông, nhưng không làm tổn thương khí huyết, thuộc loại thuốc tốt".


 

B.Theo dược lý hiện đại: thuốc có tác dụng giảm đau.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng phạm vi ứng dụng của Nhũ hương rất rộng.

1.Trị chứng kinh bế - đau kinh: phối hợp với thuốc Đương qui, Đào nhân, Hồng hoa.

Trị đau vùng thượng vị phối hợp cùng thuốc hành khí như Xuyên luyện tử, Mộc hương, Trần bì.

Thuốc phối hợp với Khương hoạt, Tần giao, Đương qui, Hải phong đằng trị chứng tý như bài Quyên tý thang ( Y học tâm ngộ).

2.Trị chấn thương ngoại khoa gây sưng đau: dùng các bài:

  • Nhũ hương định thống tán: Nhũ hương, Một dược, Xuyên khung đều 5g, Bạch chỉ, Xích thược, Đơn bì, Sinh địa đều 10g, Cam thảo 3g, tán bột mỗi lần uống 3 - 4g, ngày 2 lần với rượu hoặc nước tiểu trẻ em chưng lên.
  • Thất ly tán (Lương phương tập dịch) Nhũ hương, Chu sa, Một dược đều 5g, Huyết kiệt, Hồng hoa đều 6g, Nhĩ trà 10g, Xạ hương 2g, Băng phiến 3g, tán mịn trộn đều thành thuốc tán. Mỗi lần uống 0,2g với rượu.

3.Trị ung nhọt sưng đau:

  • Nhũ hương tiêu độc tán: Nhũ hương, Một dược đều 5g, Thiên hoa phấn, Đại hoàng, Hoàng kỳ, Ngưu bàng tử, Mẫu lệ đều 10g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 3g, sắc nước uống.
  • Những nhọt vỡ lâu ngày khó lành miệng, dùng Nhũ hương, Một dược tán mịn trộn đều đắp ngoài có tác dụng tiêu sưng, sinh cơ tốt ( bài Hải phù tán trong Ngoại khoa trích lục).

4.Trị viêm gan, vùng gan đau: dùng bài thuốc gồm: Nhũ hương, Một dược, Miết giáp, Ngũ linh chi, lượng bằng nhau sắc đặc tẩm gạc đắp lên vùng đau lúc còn ấm. Thẩm Tích Lâm dùng trị 32 ca, khỏi 21 ca, bớt đau rõ 6 ca, tiến bộ 3 ca ( Tạp chí Trung y Giang Tô 1962, 8:39).

5.Trị Nhũ hạch: dùng bài Nhũ một băng hoàng cao ( Nhũ hương, Một dược, Hoàng bá, Đại hoàng) tán bột mịn trộn đều cho Băng phiến cất vào lọ nâu. Lúc dùng lấy tròng trắng trứng trộn thuốc cho vào gạc đắp lên vùng đau ( gạc dày 1mm) chườm nóng ngoài càng tốt, cứ 24 giờ thay thuốc cho tới khi tiêu hạch ( Tạp chí Trung y Thiểm Tây 1982,3(6):41).

Liều dùng:

Thuốc uống cho vào thuốc thang, liều dùng từ 3 - 10g.

Chú ý lúc dùng: thuốc cho vào thang làm nước thuốc đục, uống dễ gây nôn, nên người đau bao tử dùng lượng nhỏ hơn, và không dùng lâu.

Không dùng cho người bệnh có thai.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây